Theo bà Nathalie Frey, Phó giám đốc chính trị của tổ chức Hòa bình xanh Quốc tế (Greenpeace International), tội phạm môi trường hiện là một vấn đề lớn của cả thế giới, với mức thiệt hại gây ra từ 70 đến 213 tỉ USD mỗi năm, ngang với tội phạm mua bán ma túy và buôn lậu vũ khí. Các loại hoạt động chủ yếu của tội phạm môi trường là phá rừng lấy gỗ, săn bắn và đánh bắt cá trái phép, mua bán động vật hoang dã, nổ mìn bất hợp pháp và phát tán chất thải độc hại ra môi trường. Những số liệu mới nhất cho thấy chỉ trong thập niên qua, việc săn bắn trái phép ngày càng mở rộng, đặc biệt tại Trung Phi, đã làm mất đi ít nhất 60% số voi trong vùng. Hạ tuần tháng 11 vừa qua, tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã công bố ảnh của chín kẻ tội phạm môi trường đang bị truy nã, trong đó có Feisal Mohamed Ali, được coi là người cầm đầu đường dây mua bán ngà voi bất hợp pháp tại Kenya. Sau nhiều năm thực hiện các kế hoạch phòng chống tội phạm môi trường trong vòng bí mật, gần đây Interpol đã công khai hóa các hoạt động của họ nhằm tranh thủ sự hợp tác của công chúng, đúng theo nhận định của một thành viên thuộc Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (WWF) là Rob Parry-Jones: “Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng tội phạm môi trường không đơn thuần là chuyện một con thú bị bắn giết hay một cái cây bị đốn ngã bất hợp pháp. Tội phạm môi trường là một loại tội ác có tổ chức chặt chẽ và có thể có những tác động phá hoại ghê gớm”.
Về mặt pháp lý, một trong những văn kiện quan trọng chi phối các hoạt động bảo vệ môi trường là bản Công ước về việc mua bán các động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Nhưng thời gian qua, bản công ước này để lộ những khiếm khuyết nên không thể bảo vệ được những động thực vật thoát khỏi việc bị săn bắt, khai thác bất hợp pháp và tội phạm môi trường trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh, ổn định chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 6-2014, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Interpol đã công bố một thông cáo chung có tên “Cuộc khủng hoảng về tội phạm môi trường”, nêu lên những dấu hiệu cần đề cao cảnh giác về mối đe dọa trên toàn cầu của loại tội phạm này. Ngoài ra, ngà voi khai thác bất hợp pháp cũng đang cung cấp những khoản tiền khổng lồ cho các nhóm dân quân hoạt động ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi. Tuần qua, chính quyền Uganda vừa thông báo bị mất cắp khoảng 1.300kg ngà voi cất giữ trong kho của cơ quan bảo vệ đời sống hoang dã do nhà nước quản lý. Những dấu hiệu này cho thấy cuộc chiến chống các loại tội phạm môi trường còn nhiều khó khăn và gian khổ trong tương lai.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)