Thay vì đấu giá, đấu thầu nhiều dự án hạ tầng, bất động sản để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc tư nhân có quyền tham gia dự án công khai, minh bạch và thu lợi cho ngân sách, nhiều nơi đã “mượn” DNNN đứng ra “xin” dự án rồi bắt đầu quá trình chuyển nhượng lòng vòng.
Một ví dụ cụ thể là ban đầu, dự án xây dựng các tuyến đường trong khu đô thị Thủ Thiêm do Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI) đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý chính thức phê duyệt dự án này, giao cho UBND TP. Hồ Chí Minh quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và VIDIFI được chọn. Như vậy, xuất phát điểm là Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh không giao dự án cho Công ty Đại Quang Minh. Tuy nhiên, lấy lý do dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn (12.182 tỉ đồng), công tác thiết kế phức tạp, kéo dài nên VIDIFI đã chuyển hợp tác đầu tư với Công ty Đại Quang Minh là một công ty tư nhân và nhóm cổ đông bên ngoài, sau đó rút dần ra khỏi dự án năm 2013.
Không có văn bản công khai nào cho thấy, VIDIFI thu về bao nhiêu từ việc bán cổ phần tại dự án Đại Quang Minh, nơi UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho họ làm chủ đầu tư. Vấn đề là khi VIDIFI không đủ năng lực tài chính và năng lực đầu tư, chấp nhận rút lui thì TP. Hồ Chí Minh lẽ ra nên thu lại dự án và chọn thời điểm đấu thầu chọn nhà đầu tư khác, thay vì cho phép VIDIFI bán sang tên dự án, chuyển hoàn toàn từ VIDIFI sang Công ty Đại Quang Minh.
Công thức đề xuất đầu tư dự án lớn qua các DNNN rồi từ đó liên doanh, liên kết, tiến tới thoái vốn dần cho các cổ đông bên ngoài, tư nhân hóa nhiều dự án lớn là khá quen thuộc trong những năm qua, ở nhiều địa phương. Gần đây nhất là khu đất vàng 812 Lê Duẩn ban đầu do bốn doanh nghiệp Bộ Công thương thuê làm trụ sở, sau đó các công ty này lập liên doanh mới và bán cổ phần của công ty được quyền sử dụng khu đất đó cho cổ đông bên ngoài. Nay Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi lại quyền sở hữu vì khu đất được chuyển nhượng không qua đấu giá.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp phải đi con đường vòng này, thay vì trực tiếp đề xuất dự án lên chính quyền.
Thứ nhất là thường các vị trí đắc địa về đất đai trước đây đều thuộc quyền sử dụng của các DNNN và sau đó họ tìm cách thuê, mua lại, liên doanh với các công ty tư nhân dễ hơn việc các công ty tư nhân tự đề xuất.
Thứ hai là các dự án lớn thường giao cho các DNNN vì tâm lý Nhà nước giao cho DNNN dễ được chấp thuận hơn là Nhà nước giao cho tư nhân như một cách “thất thoát nguồn lực ra bên ngoài”.
Đã đến lúc cần làm rõ mô hình hoạt động của các DNNN đầu tư vào hạ tầng. Như trường hợp VIDIFI sống chủ yếu nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển (VDB) cấp và đầu tư các dự án, thu phí BOT người dân với nhiều điểm chưa minh bạch trong quá trình đầu tư. Hoặc VEC cũng đầu tư các dự án BOT, BT qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Nhà nước bảo lãnh gọi vốn. Sau đó ngân sách nhà nước phải dùng hình thức cấp phát trả thay hơn 10.000 tỉ đồng (2015).
Chỉ có cách công khai các dự án hạ tầng, bất động sản cần gọi vốn qua hình thức đấu giá, mời thầu một cách công khai, minh bạch, bất kể là DNNN hay doanh nghiệp tư nhân mới tránh được tình trạng chỉ định thầu, giao đất, giao quyền quá lớn cho các DNNN. Để từ đó, việc mua đi bán lại dự án, sang tên đổi chủ diễn ra để lại hậu quả nhiều năm sau chưa giải quyết được.