Từ thành phố Huế chạy hướng Bắc theo Quốc lộ 1A chừng 17km, đến đầu phạm vi phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà), rẽ phải qua cầu Tứ Phú, cây cầu bắc ngang qua dòng sông Bồ thơ mộng, điểm cuối bên kia cầu chính là địa phận của làng Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Lấy cầu Tứ Phú làm ranh giới cho xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền và phường Tứ Hạ thuộc Thị xã Hương Trà. Làng Hạ Lang nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ xưa vốn là một làng cổ mà cái tên Hạ Lang đã được Dương Văn An ghi lại trong sách Ô Châu cận lục. Làng Hạ Lang theo Địa Bạ triều Nguyễn (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.280-281), trước thuộc Tổng Hạ Lang, trong đó Tổng này có 14 làng với 1.211 đinh. Đáng kể hơn cả là: Phú Lễ có 280 đinh, có chợ, Hạ Lang có 128 đinh, có chợ. Vốn nằm ở khu vực trung tâm của huyện Quảng Điền, vì thế các vị vua của triều Nguyễn đã chọn đặt ra Tổng Hạ Lang và làng Hạ Lang mang tên gọi từ tổng đó.
Đình làng Hạ Lang xưa và nay
Tọa lạc ở vị trí cao ráo, sừng sững bên dòng sông Bồ là đình làng Hạ Lang, đình được kiến tạo từ thời Lê, niêu hiệu Cảnh Hưng (1765), ban đầu có quy mô nhỏ hơn 3 gian 2 chái, trải qua 6 lần sửa chữa và đại trùng tu, hiện nay trở thành ngôi đình tiêu biểu cho cả một vùng xã Quảng Phú với quy mô tương đối đồ sộ. Đợt trùng tu cuối cùng là vào năm 2009, ngôi đình mới dựng lại trên nền móng cũ, theo phương vị vốn có (tọa Tý, hướng Ngọ, kiêm Nhâm Bính), mặt hướng ra dòng sông Bồ.
Diện tích đình là 1.960m2, ngoài ra đình được bổ sung thêm 4 công trình phụ, đó là 4 bức tường cao 1,5m bao xung quanh khuôn viên đình, xây thêm 4 trụ biểu, bình phong long mã, lư hạc áng ngự trước tiền đình làm tăng vẻ tráng lệ cho ngôi đình. Toàn bộ sân đình được đúc bằng bê tông chạy dọc từ hiên đình đến trụ biểu dùng làm nơi sinh hoạt hội hè và tạo sự thoáng đãng cho ngôi đình. Đình cũ vốn chỉ có 3 gian, năm 2009, đình được tăng thành 5 gian để tiện bề sinh hoạt và tổ chức lễ hội cúng tế của các họ tộc trong làng.
Đình có thờ một vị nữ chúa khai canh (chưa rõ danh tánh, do sắc phong nay không còn). Đồ vật được thờ ở đình làng có ngai đặt lư hương để thờ bà. Bài vị thần chỉ ghi: Bổn thổ khai canh quận chúa tôn bà. Làng Hạ Lang nay có 8 họ lớn (bát tộc) gồm: Ngô, Trần, Đoàn, Lê Quang, Trương, Lê Công, Hoàng, Dương. Tám họ này được xem là các họ đến sớm, có công khai khẩn ra làng Hạ Lang.
Ngoài ra còn có các họ đến sau như: Châu, Phan, Nguyễn, Hồ, Đỗ… Bát tộc của làng Hạ Lang nay có bài vị thờ ở đình làng Hạ Lang, vào xuân thu nhị kỳ (vào tháng hai và tháng tám âm lịch hằng năm), bát tộc và các họ khác trong làng cùng tham gia tổ chức tế lễ cầu mong quốc thái dân an tại đình làng. Ngoài ra, còn có Lễ tế Khai canh và tảo mộ (tháng mười một âm lịch)
Trước 4 trụ biểu đình là hai cây Bộp cổ thụ lâu năm, còn gọi theo danh xưng là Cương Trai và Bập Lai, Cương Trai có nghĩa là cứng rắn, còn Bập Lai là mềm mại, ngay cả tên gọi cũng thể hiện được triết lý âm dương ngũ hành, thể hiện quyền uy của cây với nhiệm vụ trấn giữ trước đình được các bậc Nho học trong làng đặt ra góp thêm phần tao nhã, cây có chiều cao tương ứng 40m và 38m, thân cây lớn hơn 6m và 4,5m (đo chu vi cách mặt đất 1,3m) được trồng từ triều Lê Cảnh Hưng thứ 26 (1765), qua năm tháng, cây vẫn xanh tươi, sừng sững tỏa bóng mát, tạo cảnh oai nghiêm, hùng vĩ cho đình làng. Hai cây Bộp được đón nhận bằng công nhận Cây Di sản vào ngày 20/9/2016. Phía hai vách tả, hữu của đình còn có 2 bài văn bia ghi lại quá trình tạo dựng và các đợt trùng tu của ngôi đình có niên hiệu Tự Đức (1881) và Thành Thái (1895).
- Xem thêm: Đền Bà Triệu, thắng cảnh xứ Thanh
Chùa Quảng Khánh vốn là một ngôi chùa cổ, có niên đại gắn liền với quá trình tụ cư của dân làng Hạ Lang, chùa được thành lập sớm có thể từ thời Lê (1765), niên hiệu Cảnh Hưng, dựng cùng với đình làng, trong nội dung bài minh chuông chùa Quảng Khánh-làng Hạ Lang do ngài An Dương bá Lê Trọng Nông soạn có nói rõ đều này: “Làng Hạ Lang, huyện Quảng Điền ta từ lâu đã có chùa. Chùa có chuông, Phật giáo hưng thịnh làm nên danh lam nổi tiếng của một phương…” (dẫn từ Trần Đại Vinh (2006), Văn bia & Văn chuông Hán Nôm Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa Huế tr.38-40).
Năm 1799, quan Tham đốc triều Tây Sơn-Cảnh Thịnh ngài Bảo Đức hầu Lê Quang Cao cùng vợ là Đoàn Thị Đoan, vốn là con dân trong làng, đồng thời cũng là gia đình Phật tử thuần thành đã không tiếc tiền của tự bỏ kinh phí trùng tu, sửa chữa cột kèo, lợp lại ngói, tô điểm thêm ngôi Tam Bảo. Chuông chùa Quảng Khánh có niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ bảy (1799), được ngài Lê Quang Cao cùng gia đình, bà con họ tộc Lê Quang và cư dân trong làng đứng ra bỏ kinh phí, thuê thợ, chọn nguyên vật liệu bằng đồng đỏ đúc nên.
Chính vì vậy chiếc chuông là minh chứng cho lòng mộ Đạo, kính Phật của cư dân nơi đây (Tất cả sự kiện trên đều được thuật lại trong nội dung bài văn chuông chùa Quảng Khánh). Năm 2006, chùa được Phật tử Nguyễn Thị Gái, vốn là con dân trong làng, nay định cư tại Úc, gửi kinh phí cho trùng tu lại cổng tam quan và ngôi Tam Bảo.
Các di cổ nay chỉ còn tên gọi…
Hiện nay, làng Hạ Lang còn lưu giữ những di chỉ cổ mà tên gọi những di chỉ đó còn lưu dấu ấn trong tâm trí các vị bô lão và cao niên trong làng, đó là: Ao phủ, Bến Đồn, Văn Trận, Văn Xá. Theo cụ Hoàng Văn Sum-cao niên trong làng cho biết: “thời chúa Nguyễn Phúc Chu dời dinh phủ về Phước Yên, từng chọn làng làm nơi dừng chân đóng trại, lập đồn làm nơi huấn luyện sĩ binh. Chữ phủ, chữ đồn từ đó mà ra. Văn Trận là nơi quân sĩ tập trận, Văn Xá là nơi quân dân tập trận”. Hiện nay các di chỉ này chỉ còn tên gọi, còn phần lớn đã bị nhà cửa, trường học, đường xá, trường học… dần thế chỗ.
- Xem thêm: Triều Khúc, ngôi làng của xứ tơ lụa xưa
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông
Đất làng Hạ Lang rất màu mỡ được bồi tụ phù sa từ dòng sông Bồ, ngoài ra, sông còn cung cấp nguồn nước tưới tiêu trong nông nghiệp không chỉ riêng cho làng mà cho cả xã Quảng Phú. Làng có 713 hộ, với 2.855 nhân khẩu và lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 35-40%, với 104 ha đất nông nghiệp. Vốn nổi tiếng với thương hiệu “mía cẩm tân” (mía tím), mía được trồng trù phú trải dài khắp các cánh đồng sau làng, nhà nhà trồng mía, nay nghề trồng mía lan sang tận làng Hà Cảng, Bao La.
Mỗi năm cuối vụ, thương lái ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam… đến thu mua tận ruộng, làng còn trồng xen canh thêm đậu, sắn và cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của làng là chằm nón, nay gần như chỉ còn chừng 3 đến 5 hộ còn duy trì nghề này. Nghề chăn nuôi thủy sản cá lồng dọc sông Bồ như cá trắm, cá diêu hồng đem lại thu nhập cao, ổn định với 7 hộ nuôi cá diêu hồng với 140 ô; 40 hộ nuôi cá trắm với 65 lồng.
Tuy nhiên, cơn lũ cuối năm 2017 đã cuốn trôi nhiều lồng cá, sau lũ cá bị nhiễm độc chết hàng loạt; sản lượng mía trong những năm gần đây cũng giảm mạnh do thời tiết bão lũ, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá mía xuống còn dưới một nửa so với mùa trước gây thiệt hại nặng về kinh tế cho bà con nơi đây. Hiện nay, làng đã có đèn điện chiếu sáng khắp các ngõ, đường xóm, 100% đường làng được bê tông hóa mà phần lớn là do làng huy động theo hình thức xã hội hóa, nguồn kinh phí từ dân làng tự bỏ tiền ra thực hiện.
Phát huy giá trị truyền thống văn hóa vốn có, cư dân làng Hạ lang vốn chăm chỉ trong nông nghiệp cũng như công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Theo ông Lê Quang Thịnh – trưởng thôn Hạ Lang cho biết: “con em thuộc các họ tộc trong thôn như họ Hoàng, Ngô, Lê Quang… có nhiều người đỗ đạt, thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là họ Hoàng có truyền thống hiếu học và hiện là dòng họ tiêu biểu làm tốt công tác khuyến học hiện nay của tỉnh Thừa Thiên Huế”.