Đến nay, dân làng Triều Khúc vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về tổ nghiệp của họ – ông Vũ Đức Úy, một vị quan sống vào thế kỷ XVIII. Trong thời gian được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, ông tranh thủ học nghề dệt thao (loại vải đẹp dùng làm quai nón) sau đó về dạy lại cho dân làng.
Từ đó, Triều Khúc còn được gọi là làng Kẻ Thao bởi vải thao giúp chiếc nón trở nên mềm mại và tinh tế hơn, nghề dệt thao cũng giúp dân làng có cuộc sống thêm phần dư giả. Cùng với nghề dệt, người làng còn kết hợp nghề thêu may với nghề dệt nhuộm, để làm thêm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía, quả cù – những vật thờ tự và trang trí treo trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội.
Có đời sống sung túc lại ở gần kinh đô, dân làng Triều Khúc xưa ưa tổ chức lễ hội. Lễ hội Triều Khúc được tổ chức trong ba ngày, từ 9 đến 12 tháng Giêng. Vào ngày hội, người người nô nức trong quần áo mới sặc sỡ sắc màu xua tan cái lạnh rét mướt ảm đạm của làng quê Bắc bộ. Mở đầu hội là lễ rước long bào – triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn (Triều Khúc có hai đình) để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ “hoàn cung”.
Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu thì ngoài sân đình, các trò vui cũng được tổ chức, một trong những trò vui được nhiều người ưa thích nhất là trò đánh bồng. Đây là một điệu múa cổ do hai chàng trai đóng giả gái biểu diễn.
- Xem thêm: Về Gia Lâm thăm đền Gióng
Trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy, cộng với việc hóa trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ, hai “cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ chiếc trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, nom rất vui mắt và tức cười. Tiết mục này thường thu hút người xem hội nhiều nhất và cũng là tiết mục sinh động, độc đáo nhất trong lễ hội Triều Khúc. Ngoài ra, trong lễ hội Triều Khúc còn có năm điệu múa nổi tiếng khác: múa rồng, múa lân, múa sinh tiền, múa trống bồng và múa chạy cờ.
Bên cạnh đó, hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát chèo, đua thuyền. Sới vật Triều Khúc cũng là một trong những sới nổi tiếng, thu hút khá đông các đô vật nơi khác về tham dự: Bắc Ninh, Gia Lâm, Mai Động…
Múa rồng trong hội Triều Khúc cũng có nhiều nét độc đáo, kỹ thuật điêu luyện. Tương truyền đây là điệu múa có từ thời Bố Cái Đại Vương. Do múa hay, múa đẹp như vậy nên hằng năm, đội múa rồng Triều Khúc thường được mời về tham dự và múa rồng ở hội Đống Đa. Ngày 12 là ngày rã hội.
- Xem thêm: Núi Trầm, thắng cảnh bên dòng sông Đáy
Trong ngày này có lễ rã đám và kết thúc bằng điệu múa cờ (còn gọi là chạy cờ). Điệu múa phản ánh sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài để bổ sung quân ngũ trước lúc lên đường quyết chiến với quân xâm lược.
Khi mọi nghi lễ kết thúc cũng là lúc mọi người cùng ngồi vào chiếu hưởng lộc thánh. Họ cùng nhau chia vui chén rượu, miếng trầu. Hội kết thúc trong niềm vui tươi phấn khởi và hy vọng của dân làng về một năm mùa màng bội thu, nghề nghiệp thịnh đạt…