Một triển lãm tranh khá lặng lẽ tại không gian của một nhà hàng, không có những tiếp xúc với báo giới trước ngày khai mạc dù đó là một phòng tranh đẹp của một họa sĩ nổi tiếng của hội họa miền Nam trước 1975.
Nhà hàng Si (7A Ngô Văn Năm, Q.1) là một không gian được thiết kế công phu, trưng bày nhiều cổ vật và cả tác phẩm hội họa, nơi từng triển lãm tranh các tên tuổi như Bùi Quang Ngọc, Chóe… Với triển lãm được gọi là “âm họa” của họa sĩ lão thành Nguyễn Cao Nguyên, Nhà hàng Si viết giới thiệu về tác giả như sau: “Đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên vẫn miệt mài với các tác phẩm hội họa ở thể loại tranh trừu tượng. Ông gắn bó với nền nghệ thuật nước nhà từ những năm 1960 khi là người sáng lập Hội Họa sĩ trẻ đầu tiên của Việt Nam (1962), tham gia các cuộc triển lãm tại các “kinh đô” nghệ thuật như Paris, New York từ thập niên 1950-1970, cùng rất nhiều triển lãm cá nhân ở các thể loại tranh sơn mài, lụa, sơn dầu, màu nước, in mộc bản… tham gia giảng dạy và nói chuyện chuyên đề về sơn mài Việt Nam, màu nước tại các trường đại học ở Mỹ, thành lập phòng tranh cá nhân George Town Art Studio tại Washington D.C (1995)”.
Trong lời giới thiệu đó, đáng chú ý nhất là đoạn nói ông Nguyễn Cao Nguyên là “người sáng lập Hội Họa sĩ trẻ đầu tiên ở Việt Nam” – bởi đó cũng chính là Hội Họa sĩ trẻ được thành lập ở Sài Gòn, mà người sáng lập cũng là chủ tịch đầu tiên của tổ chức mỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong sự hình thành và phát triển của hội họa miền Nam trước đây là họa sĩ Ngy Cao Uyên, cũng là bút danh của ông Nguyễn Cao Nguyên cả trong lĩnh vực văn thơ. Sinh năm 1933 ở Hải Phòng, Ngy Cao Uyên từng theo học các họa sĩ bậc thầy là Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí và Lê Quốc Lộc. Năm 1954, ông sang Pháp du học ngành cơ khí hàng không và làm việc trong lĩnh vực này cho tới trước 1975. Ngoài hội họa, Ngy Cao Uyên còn chủ trương nhà xuất bản Con Đuông rất nổi tiếng ở Cần Thơ ngày trước.
Sang Mỹ định cư, họa sĩ vẫn tiếp tục hành trình nghệ thuật của mình như giới thiệu trên. Với triển lãm này Nhà hàng Si cho biết: “Sống và hoạt động nghệ thuật tại Mỹ, trong chuyến trở về Việt Nam lần này họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên giới thiệu đến người yêu hội họa 18 tác phẩm trừu tượng màu nước, được thể hiện bằng một thủ pháp đặc biệt được ông gọi là kỹ thuật “rửa tranh”, sử dụng độ tinh tế, chi tiết trong đường nét cùng lối phối hợp các gam màu đương đại, tác phẩm hoàn thiện được đưa vào nước để lấy bớt các lớp màu đậm bằng kỹ thuật “rửa”, tạo nên sự hòa quyện màu sắc của bảng màu đã thể hiện trên tranh, đem lại một ngôn ngữ trừu tượng rất lạ, khác biệt, và đậm dấu ấn riêng của họa sĩ trong triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam sau hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài”.
Khi đến xem tranh Nguyễn Cao Nguyên hay Ngy Cao Uyên (sẽ kết thúc vào ngày 31-10), có thể thấy lời Nhà hàng Si không quá lời khi viết giới thiệu. Bộ tranh đẹp, tinh tế và được tác giả thực hiện với kỹ thuật có thể gọi là hoàn thiện dù tuổi ông nay đã quá “cổ lai hy” từ lâu. Và cách ông chăm chút những cái khung tranh đã góp phần không nhỏ nâng cao giá trị tác phẩm. Dù lặng lẽ và không tổ chức ở một phòng tranh chuyên nghiệp, đây vẫn là một triển lãm rất đáng xem.
- Như Hoa