Ở ta lúc này ngày càng có nhiều lang băm (charlatan). Có những lang băm rất nổi tiếng, không chỉ ở một địa phương mà còn nổi tiếng khắp cả nước, được nhiều người bệnh ở xa hằng ngàn cây số bán nhà bán cửa, tìm đến bằng đủ mọi loại phương tiện để được chữa bệnh với một lòng tin gần như tuyệt đối.
Trước kia có những vụ nước cá thần, thầy nước lạnh, rồi sau này là “niệu liệu pháp” (uống nước tiểu chữa bá bệnh), “Thần y N. H.”, “Thầy X. chữa ung thư”… Gần đây trên báo thấy lăng xê một ông thầy chữa bệnh chó dại đã lên cơn, một ông khác chữa động kinh, ông khác nữa có “thần dược” chữa được bá bệnh v.v… Báo Sức khỏe và Đời sống của Bộ Y tế đã đăng loạt bài “Được mùa thần y” để cảnh giác về những vụ việc này.
Lang băm không chỉ thường thấy ở một số thầy thuốc gia truyền, thuốc Nam, thuốc Bắc mà cả trong giới Tây y cũng có, nghĩa là đông tây nam bắc, xưa nay nơi nào cũng có. Ở Anh, theo Lịch sử Y học của H.Walker, từ thế kỷ thứ XIV, đã thấy nhiều lang băm cưỡi ngựa đi chữa bệnh dạo, nhổ răng dạo khắp nơi và quảng cáo rất lớn lối, mang tính lường gạt.
Rất dễ nhận ra họ: luôn dùng những lời lẽ “đao to búa lớn” để tự quảng cáo cho mình như thần y, thần dược, cứu nhân độ thế…; quả quyết bệnh gì cũng chữa được; dùng nhiều mánh khóe, thủ đoạn như nhờ người làm cò mồi, hoặc quảng cáo rất đại ngôn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Với bệnh nhân, họ không cần khám hay chỉ khám qua loa, ra vẻ huyền bí, không cần tìm hiểu bệnh tình đã có ngay một chẩn đoán chắc nịch. Họ cam đoan chữa khỏi bệnh trong một thời gian ngắn, đảm bảo không khỏi bệnh thì trả tiền lại. Thuốc men, họ không giải thích rõ ràng và thường bày vẽ, kiểu cọ, khó khăn, tốn kém. Khi bệnh nhân ngần ngại, tỏ vẻ thiếu tin tưởng, họ xua đuổi ngay để thị uy. Khi bị hỏi về kinh nghiệm, sở học, bằng cấp, giấy phép…, họ thường lúng túng hoặc trưng bằng chứng mơ hồ; có khi nói không ai đủ trình độ thẩm định tài năng của họ.
Thế nhưng vì sao người ta vẫn thích… lang băm, vì sao thần y vẫn cứ “được mùa”?
Có lẽ bởi vì với nền y học hiện đại thì người bệnh ngày càng xa lạ với thầy thuốc, người bệnh phải đối diện với máy móc, với kỹ thuật tân kỳ, phức tạp, tuy mang lại hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị nhưng cũng gia tăng sự sợ hãi và xa cách giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Thầy thuốc xử lý thông tin bệnh lý trên vi tính, trên các văn bản xét nghiệm lạnh lùng, người bệnh trở thành “một trường hợp”, một con số bệnh án.
Trong khi đó, ở “lang băm” thì khác hẳn, đó là sự hớn hở mời chào, là ba hoa chích chòe làm vui lòng người, là sự cam đoan chắc như đinh đóng cột… làm thỏa mãn sự mong cầu của người bệnh, nhất là hiện nay ngày càng có nhiều loại bệnh do hành vi, do lối sống gây ra.
Những bệnh do căng thẳng, do sợ hãi, lo lắng, âu sầu, “rối loạn chức năng”, mệt mỏi vô cớ… mà máy móc xét nghiệm tân kỳ cũng đầu hàng chịu thua không tìm ra bệnh thì ”lang băm” lại có lý! Lang băm đem lại sự tin tưởng cho người bệnh, giúp họ lấy lại niềm tin, hy vọng, giảm thiểu lo âu, stress…
Nhiều trường hợp bệnh cấp tính tự khỏi. Một số bệnh ung thư máu, có những đợt tự thuyên giảm. Các bệnh do stress, do tâm lý, suy nhược thần kinh chẳng hạn thì lang băm có thể giúp làm thuyên giảm một số triệu chứng, giảm sốc tâm lý, giúp người bệnh chấp nhận hiện trạng sức khoẻ của họ…
Một tỉ phú nghĩ rằng mình đã nuốt phải một con rắn vào bụng. Bụng tỉ phú cứ sình lên, ợ hơi, nấc cụt liên tục, mất ăn mất ngủ, lo lắng sợ hãi làm gầy tọp đi, tiều tụy nhanh chóng. Bác sĩ đủ các chuyên khoa đều tìm không ra bệnh. Bao nhiêu xét nghiệm siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp, cản quang… các thứ đều không thấy có con rắn nào cả! Thế nhưng tỉ phú cứ bệnh, ngày càng nặng.
Sau cùng, người ta rước một ông thầy. Ông thầy nhìn qua đã nói trúng chóc: Có một con rắn trong bụng! Ông cho nhà tỉ phú uống một thứ thuốc xua rắn – thực ra là thuốc ngủ – rồi lén bỏ vào mền của tỉ phú một con rắn nước (không độc). Khi tỉ phú tỉnh dậy thấy ngay một con rắn trong mền bò ra. Triết lý của câu chuyện: rắn là giả, bệnh cũng giả, thần y cũng dỏm, chỉ có tiền của nhà tỉ phú là thật!
Hẹn thư sau. Thân mến.