Vài năm trước, trong chuyến đi đến Lào, nhóm du khách toàn phụ nữ chúng tôi ghé thăm một làng nhỏ của người dân tộc Liêu. Ngôi làng nằm cách thành phố Luang Phabang 15 cây số này được hình thành ba thế kỷ trước, khi một nhóm người Liêu rời bỏ Trung Quốc tìm nơi dễ sinh sống hơn.
Lập làng mới trên đất Lào, họ cũng mang về đây nghề dệt lụa. Với làn sóng du lịch lan rộng, những dải lụa và khung cửi truyền thống đang thu hút ngày một nhiều du khách nước ngoài đến với làng.
Đoàn nghỉ chân trong ngôi nhà tre mát rượi. Bà chủ nhà niềm nở trả lời mọi câu hỏi và có ý giữ chân khách càng lâu càng tốt. Ban đầu mọi người nghĩ đó đơn thuần là sự hiếu khách, nhưng càng nói chuyện càng thấy không phải. Mà cũng chẳng phải là bà muốn bán thật nhiều lụa, hay các món đồ thủ công tinh xảo do chính tay con gái lớn của bà làm.
Câu chuyện sâu xa hơn như vậy nhiều. Bà chủ nhà muốn các vị khách nữ đến từ những đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á giải đáp dùm bà có phải rằng ở Bangkok hay TP. Hồ Chí Minh, các cô gái có học thức, thu nhập cao lấy chồng trễ hay không lấy chồng là chuyện bình thường?
Chuyện là thế này: Sue, cô gái 22 tuổi vừa tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, người kiếm tiền chính trong gia đình vừa là niềm tự hào của bà, đồng thời cũng là nỗi lo lớn nhất của cha mẹ vì mãi vẫn chưa chịu lấy chồng. Những món đồ đắt giá trong ngôi nhà truyền thống: Xe máy, ti vi, khung dệt mới toanh đều do bàn tay khéo léo và vốn tiếng Anh của Sue mang về. Trong ngôi làng tự cung tự cấp nghèo khó này, thu nhập của các cô gái như con bà là ngoài sức tưởng tượng và bắt đầu gây đảo lộn nhiều chuẩn mực từ bao đời.
Khoảng 5 – 6 năm trước, khi khách phương Tây bắt đầu tìm đến làng và mua hết tất cả lụa trong làng, các thiếu nữ chăm chỉ khéo léo như Sue đã ngày đêm dệt vải kiếm tiền giúp gia đình thoát nghèo. Có hai cô còn dành dụm đủ tiền để ra thành phố học cao đẳng, điều chưa từng có ở làng trước đây.
Đáng tiếc! Làn sóng du lịch mới chỉ mang sự phát đạt đến cho các cô gái trẻ, còn các trai làng thì không. Một số cô gái trong làng bắt đầu tự hỏi tại sao mình phải kết hôn và chịu bao áp lực của đời sống còn theo kiểu cổ xưa, trong khi với thu nhập hiện tại các cô có thể sống thoải mái hơn đa số phụ nữ trong làng rất nhiều.
Các bà mẹ như mẹ của Sue phần thì sung sướng trước những tiện nghi vật chất con gái đem về, phần thì lo lắng con mình rồi có chịu lấy chồng hay không? Mà lấy thì lấy ai? Không ít trai làng khi lấy được vợ giỏi kiếm tiền đã trở nên lười biếng. Họ từ chối những việc nặng nhọc vì biết vợ có đủ tiền lo cho gia đình. Rảnh rỗi, thiếu ý thức về giá trị bản thân, một số ông chồng trẻ lao vào rượu chè, cờ bạc. Rốt cuộc, những phụ nữ kiếm tiền giỏi khi lập gia đình có khi còn mệt mỏi hơn những cô gái cam chịu kiếp nghèo.
Nghe hết câu chuyện, chúng tôi chỉ biết cười thông cảm. Vậy là trào lưu “lấy chồng muộn – không lấy chồng” đã lan đến những ngôi làng hẻo lánh như nơi đây. Ở đâu cũng vậy, khi phụ nữ tự chu cấp được cho bản thân, họ cũng sẽ giành lấy quyền tự quyết cuộc đời mình. Và việc đầu tiên là chỉ kết hôn khi gặp người vừa ý.
Mẹ Sue khéo léo dò hỏi liệu rằng con gái bà có nên kết hôn với người ngoại quốc, nếu ngày nào đó có một du khách phương xa ngỏ lời yêu cô? Thế giới bên ngoài đầy rủi ro, không ai trong chúng tôi dám trả lời rằng Sue nên hay không nên chọn một cuộc đời hoàn toàn khác với mẹ mình. Trăn trở của mẹ cô cũng từng là trăn trở của hằng triệu bà mẹ Lào, Thái Lan, Việt Nam… khi nền kinh tế thế kỷ 21 mang đến cơ hội việc làm cho hàng triệu cô gái trẻ.
Phép màu nào cũng có mặt trái của nó. Các bà mẹ thôn quê khi không còn phải vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền thì lại đối mặt với dị nghị từ xóm làng, với sự hoang mang không biết can thiệp thế nào đến tương lai của con gái mình.
Năm mới lại đến! Tết này, tại hàng ngàn ngôi làng Việt Nam, hàng ngàn bà mẹ cũng ngại ngùng trước câu hỏi: “Chừng nào con gái chị cho tôi uống rượu mừng?”.