Triển lãm “Lan – Lan” của Le Brothers – anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải – đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Xứ Đàng Trong (9 Nguyễn Thái Học, Hội An, từ 8-9 đến 8-11-2018). Lần đầu tiên có một triển lãm nghệ thuật đương đại, kết hợp điêu khắc, sắp đặt và hoa lan, diễn ra trong không gian một ngôi nhà cổ đã có tuổi trăm năm, đẹp và rộng nhất ở một đô thị cổ nổi tiếng, cũng là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Dự án nghệ thuật “Lan – Lan” đã được Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải đầu tư công sức nhiều tháng qua, từ khi khởi nguồn ý tưởng sáng tạo đến thực hiện các công đoạn chạm khắc hình ảnh trên 24 tấm gỗ kích thước 40 x 80 x 5cm và chọn hoa lan để kết hợp thành một tổng thể. Theo Le Brothers thì “con người luôn luôn song hành với tự nhiên, đặc biệt là thiên nhiên và đó là sự hòa hợp bức thiết đối với con người”. Trên cơ sở đó “Lan – Lan” là “một dự án kết nối cấu trúc tổng thể của văn hóa Việt Nam với Triều Nguyễn và lịch sử cận đại của Việt Nam đồng thời tương tác với tự nhiên thông qua cảm quan của người nghệ sĩ”.
- Xem thêm : Khắc nghiệt nghệ thuật đương đại
Cũng theo Le Brothers “chúng ta chỉ có thể tương tác và hòa nhập với thiên nhiên chứ không thể ép buộc và cưỡng chế thiên nhiên, và để làm được điều đó chúng ta cần một sự kết nối bằng tình yêu”. “Thân phận con người cũng giống như một nhành lan, phải nỗ lực để tồn tại và cần song hành với thiên nhiên. Chống lại điều đó cũng có nghĩa là đi ngược lại với tự nhiên và sẽ dẫn đến tự diệt”. Những tấm gỗ lấy từ tự nhiên được chạm khắc thành tác phẩm mỹ thuật, với hình ảnh muông thú, kỳ hoa dị thảo, các yếu tố của Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), các hoa văn lấy từ kinh thành Huế thời Nguyễn, các biểu tượng của lịch sử cận đại, khi kết hợp với hương sắc thiên nhiên là hoa lan thể hiện sự giao thoa giữa con người với vũ trụ.
Thông điệp của “Lan – Lan” càng được sáng rõ trong không gian một ngôi nhà cổ đặc trưng của Hội An, đem đến những cảm nhận sâu sắc mà gần gũi về tổng thể tác phẩm. Sau nhiều năm không tổ chức triển lãm trong nước và thường xuyên đến với nhiều thành phố khắp năm châu, các hội chợ và trung tâm nghệ thuật đương đại quốc tế để giới thiệu các tác phẩm trình diễn (performance) và video art của mình, nay Le Brothers mới có cuộc trưng bày tác phẩm tại quê nhà.
Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải sinh năm 1975 tại Quảng Bình, năm 2000 cùng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, nơi Thanh học về sơn mài còn Hải học sơn dầu. Ngay sau khi tốt nghiệp, Le Brothers đã thành lập gallery New Space ở Huế, nơi đã trở thành một sân chơi cho các họa sĩ và sinh viên mỹ thuật cố đô, đồng thời thu hút được nhiều nghệ sĩ trẻ đến từ các tỉnh thành trong nước. Năm 2008, họ xây dựng một quỹ hoạt động nghệ thuật có tên New Space Art Foundation (N.S.A.F) và dùng một ngôi nhà ở làng Lại Thế làm không gian nhiệm trú sáng tác cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Có thể nói, những đóng góp của Le Brothers cho đời sống nghệ thuật của Huế là rất đáng ngưỡng mộ. Nhờ có N.S.A.F, công chúng yêu nghệ thuật ở cố đô có dịp biết đến nhiều nghệ sĩ với các tác phẩm độc đáo như Vũ Nhật Tân với âm nhạc thể nghiệm, nhóm nghệ sĩ trình diễn Nhật Bản NIPAF (Nipon International Performance Art Festival) của Seiji Shimoda…
Dù có được những thành công với tranh sơn mài, Le Brothers đã rời hội họa và dấn bước sang nghệ thuật đương đại, đặc biệt là các tác phẩm trình diễn và video art với chủ đề nổi bật là tính ẩn dụ về sự giống nhau mà cội nguồn chính là cuộc đời song sinh của họ. Nhiều tác phẩm của Le Brothers nói về sự chia cắt đã từng diễn ra giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam và những nơi khác, với cách tiếp cận độc đáo về lịch sử, bản sắc và cách diễn giải của quá khứ trong hiện tại.
- Xem thêm: Chín năm cho một thương hiệu nghệ thuật
Những năm gần đây, tác phẩm trình diễn và video art của Le Brothers đã đến với gallery The Nord ở Berlin (2018), Vietnam Eye in START tại gallery Saatchi ở London (2017), Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson tại Bangkok (2016), Bảo tàng Nghệ thuật Gwangju (2016), Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Kumamoto ở Nhật Bản (2015), Biennale 2015 tại Canada, Palais de Tokyo ở Paris (2015), Bảo tàng Queens (2015), Hội nghệ sĩ thị giác Croatia tại Zagreb (2015), Iran CP Biennale (2014), Không gian nghệ thuật FreeS tại Đài Bắc (2014), Singapore Biennale (2013)… Một số tác phẩm của họ được lưu giữ trong bộ sưu tập tư nhân và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Gwangju và Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson.
Được biết, đã có một nhà sưu tập sẽ mua toàn bộ tác phẩm của “Lan – Lan”.
Trung tâm nghệ thuật Xứ Đàng Trong được đặt tại nhà cổ Phi Yến, ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm và từng là hiệu buôn lớn nhất Hội An. Hiện là xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các sản vật đặc trưng của Hội An, nhà cổ Phi Yến trên đường Nguyễn Thái Học cũng là điểm tham quan chỉ định trong chương trình tham quan khu phố cổ, nơi du khách được sống trong không khí của một làng quê Việt Nam thu nhỏ với phong cảnh và sinh hoạt văn nghệ dân gian do chính bản thân các nghệ nhân làng nghề thực hiện.
Trung tâm nghệ thuật Xứ Đàng Trong còn là nơi tổ chức các sự kiện trình diễn nhạc không lời, các triển lãm nghệ thuật… Trung tâm được khai trương vào ngày 22-11-2015 bằng triển lãm tranh “Hài hòa và tương phản”, giới thiệu tranh với chủ đề đất và người Hội An của 10 họa sĩ Hà Nội và Hội An.