“Lạm phát trong năm 2012 sẽ ở mức khoảng 7% và trong năm tới, chúng tôi thậm chí sẽ còn kiểm soát tốt hơn, đưa lạm phát giảm về mức khoảng 6%”, người đứng đầu Chính phủ nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg tại Hà Nội hôm 28-11. Theo ông, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hai năm tới trong bối cảnh các nhà chức trách cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng.
Bloomberg nhận định, lo ngại về việc tăng trưởng đã đạt đỉnh sau 1/4 thế kỷ mở cửa thị trường, cũng như việc các nhà hoạch định chính sách gặp khó trong việc kiểm soát nợ xấu, đã góp phần dẫn tới mức sụt giảm 21% trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết vào Việt Nam kể từ đầu năm.
Theo ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ Indochina Capital tại Hà Nội, việc kiểm soát lạm phát sẽ giúp Việt Nam cải thiện đáng kể hình ảnh. Rõ ràng, việc lạm phát vượt 20% hai lần trong bốn năm qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc quản lý kinh tế của Chính phủ.
Đến nay, Chính phủ đã kiểm soát tốt tốc độ lạm phát từng ở mức cao nhất tại châu Á vào năm 2011. Tháng 12 năm ngoái, lạm phát của Việt Nam ở mức 18% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của Bloomberg, lần gần đây nhất mức lạm phát cả năm của Việt Nam ở mức dưới 6% là vào năm 2003.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm tới, cao hơn mức tăng trưởng dự báo 5,2% cho năm 2012.
Gia Minh tổng hợp