Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng kéo dài thời gian xét tuyển thêm gần hai tháng so với những năm trước, nay đã không cứu được các trường tuyển sinh ế ẩm.
Ông Hoàng Trung Hưng – Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) – cho biết: “Kỳ tuyển sinh năm nay trường chỉ mở được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với khoảng 20 sinh viên. Nhà trường đã trả lại hồ sơ của thí sinh nộp vào các ngành khối A vì không đủ sĩ số sinh viên để mở lớp. Trong khi năm nay nhà trường tuyển sinh tám ngành bậc đại học chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc cao đẳng 300 chỉ tiêu. Nhà trường chỉ nhận được 18 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, đã có ba thí sinh trúng tuyển”.
Trước đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng vừa công bố kết thúc tuyển sinh năm 2012 với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh sáu sinh viên… trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu.
GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên trường vẫn tổ chức giảng dạy bình thường. Với số sinh viên ít ỏi như vậy, nhà trường gom lại còn hai ngành để tổ chức đào tạo.
Tại Trường Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế), chỉ tiêu tuyển sinh của chín ngành đại học và sáu ngành cao đẳng là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường cũng chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học.
Ông Phạm Bá Phong, hiệu trưởng Đại học Yersin (Đà Lạt) cho biết trường chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu. Nhiều ngành như môi trường, công nghệ sinh học, tiếng Anh, tin học phải đóng cửa.
Ở khu vực phía Bắc, các trường đại học quốc tế Bắc Hà, Thành Đô có số lượng thí sinh nhập học chỉ vài chục đến 100. Ở phía Nam, Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) cũng chỉ tuyển được 30% trong tổng số 3.200 chỉ tiêu bậc đại học – cao đẳng dù đã kéo dài thời gian xét tuyển đến 30-11.
Hiện còn có hàng loạt trường đại học tư thục khác đến khi kết thúc tuyển sinh vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu như Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định), Đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Đại học Tây Đô (Cần Thơ)… Tất cả những trường này sau nhiều đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
Không chỉ các trường tư thục, nhiều trường công lập ở các địa phương cũng kết thúc tuyển sinh trong tình cảnh chấp nhận đóng cửa hàng loạt ngành học và chọn phương án ghép các ngành ít thí sinh để đào tạo. Hàng loạt ngành tại phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, Đại học Khoa học Huế, Đại học Nông lâm Huế sau khi xét tuyển 4-5 đợt, đến khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ có vài sinh viên/ngành.
Gia Minh tổng hợp