Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, doanh số giao dịch tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng những ngày đầu tháng 10 giảm khá mạnh, lãi suất giao dịch bình quân tiếp tục giảm ở đa số các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với thời điểm cuối tháng 9; lãi suất bình quân các kỳ hạn từ một tháng trở xuống dao động trong khoảng từ 1,66% đến 2,69%/năm.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã phản ánh một thực tế là các ngân hàng đang thừa tiền. Dù hoạt động cho vay đang có diễn tiến tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng của lượng tiền huy động vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, khiến nhiều ngân hàng phải giảm lãi suất huy động đầu vào nếu không muốn đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Đi đầu cho xu hướng giảm này là các ngân hàng có vốn nhà nước, với ưu thế về nguồn vốn và thị phần. Đầu tiên là Vietcombank, với việc công bố đợt giảm lãi suất mới, kỳ hạn gửi 24-60 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,3%/năm, các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống đều giảm. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường đang là Agribank, với kỳ hạn gửi một tháng chỉ còn 4,3%/năm; kỳ hạn hai và ba tháng cũng giảm còn 4,8% và 5,3%/năm. Nếu như trước đây, các ngân hàng thương mại cổ phần trung bình với năng lực nguồn vốn và thị phần kém hơn thường không dám đua theo các ngân hàng lớn trong việc giảm lãi suất, thì lần này cũng không thể “gồng mình” lâu hơn, nên lần lượt đưa ra các mức lãi suất huy động giảm tương ứng. Về phía các ngân hàng, việc giảm lãi suất giúp họ giảm chi phí đầu vào và chủ động hơn trong việc hoạch định kinh doanh. Cụ thể là sẽ hướng tới giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như cá nhân, nhằm đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm.
Về phía người gửi tiền, theo quy luật cung – cầu về vốn, khi lãi suất giảm đến một mức nào đó, họ sẽ cảm thấy việc gửi tiết kiệm không có lợi nữa. Lúc đó, họ sẽ không dồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng mà đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lời tốt hơn, như chứng khoán hoặc góp vốn kinh doanh, săn lùng bất động sản giá rẻ… Mức lãi suất tiết kiệm cân bằng đó thường gần với mức lạm phát của nền kinh tế. Nếu không có biến động lớn về giá, năm nay lạm phát sẽ trong khoảng 4 – 4,5%. Như vậy, có thể thấy mặt bằng lãi suất huy động hiện đã tiệm cận mức đó. Nhiều người cho rằng các nhà điều hành nên nhân cơ hội này có thể giảm thêm lãi suất điều hành. Nhưng thực ra, việc các lãi suất điều hành vẫn đứng yên từ nhiều tháng qua bất chấp lãi suất huy động của nhiều ngân hàng liên tục giảm xuống cũng có sự hợp lý riêng. Khi các ngân hàng lớn và trung bình giảm lãi suất huy động, một lượng tiền sẽ tìm đến các ngân hàng nhỏ để được hưởng lãi suất cao hơn (dù vẫn không vượt quá trần lãi suất). Một quyết định hạ trần lãi suất có thể gây khó khăn cho số ngân hàng nhỏ này, vốn không thể cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng lớn nếu không chiêu dụ người gửi tiền bằng mức lãi suất cao hơn. Cuối năm lại là thời điểm mà các cá nhân, doanh nghiệp có thể rút tiền ra khỏi ngân hàng bất cứ lúc nào, nên các ngân hàng nhỏ càng dễ rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Đó là chưa kể Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố đảm bảo duy trì ổn định tỷ giá, nên nếu hạ trần lãi suất vào thời điểm này sẽ khiến tiền đồng có nguy cơ mất giá. Chính vì vậy, việc để các ngân hàng tự cân đối mức lãi suất huy động – cho vay như hiện nay lại tốt hơn, hướng đến việc thả nổi hoàn toàn lãi suất trong thời gian tới.
Minh Hằng