Từ khi hệ thống ngân hàng thương mại được mở rộng và nền kinh tế có sự tăng trưởng nóng vào những năm 2006-2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng thường được xem là thước đo và là tiền đề của tăng trưởng kinh tế. Việc hệ thống ngân hàng duy trì mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra là yếu tố quan trọng giúp các nhà điều hành kiểm soát được tốc độ tăng GDP cũng như lạm phát trong từng thời kỳ cụ thể. Do mô hình tăng trưởng của nước ta vẫn dựa nhiều vào vốn, trong đó có vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, nên thường thì muốn GDP tăng cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng phải cao tương ứng. Trong khi đó, khâu quản lý nguồn vốn lại còn nhiều bất cập, đặc biệt trong khu vực quốc doanh, khiến cho một phần của đồng vốn không đến được với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng của nước ta còn kém hiệu quả, nên khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, tốc độ tín dụng tăng nhanh, lạm phát cũng tăng vọt trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không tăng tương xứng. Để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, mấy năm qua các nhà điều hành buộc phải sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Mặt tích cực của chính sách này là chặn đứng được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động tiêu cực của nó là khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài. Tổng cầu suy giảm, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không tìm được đầu ra, hàng tồn kho ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, để lại khối nợ xấu khổng lồ cho các ngân hàng thương mại… Vậy nên, hoạch định chính sách sao cho hài hòa, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế và lạm phát bao nhiêu cho hợp lý là cả một vấn đề.
Trong thời điểm hiện tại, khi kỳ vọng lạm phát cho cả năm xuống dưới 5%, thì vấn đề chỉ còn là tăng trưởng tín dụng phải như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tám tháng đầu năm tăng 1,84% so với cuối năm 2013, mức tăng thấp nhất trong mười năm qua. Chính vì điều này, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động về dưới 5%/năm cho các kỳ hạn ngắn, dù trần lãi suất đang là 6%/năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cơ hội để hệ thống ngân hàng hạ giảm lãi suất, nhằm xác lập một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước. Cụ thể, lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,5 – 1%/năm so với hiện nay, bất kể trần lãi suất có như thế nào. Trên cơ sở lãi suất huy động thấp ấy, các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay thêm 1 – 2%/năm, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ hơn trong khi vẫn duy trì được lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Để làm được điều này, các ngân hàng thương mại phải chủ động tiết giảm tối đa chi phí, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh giao dịch qua internet, từ đó góp phần giảm lãi suất cho vay.
Nếu các ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 1 – 2%/năm so với trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước mà vẫn không ảnh hưởng đến lượng tiền gửi từ khu vực dân cư thì đó chính là dấu hiệu cho thấy lãi suất tiền gửi và cho vay không còn phụ thuộc vào mức lãi suất chính sách do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nữa. Tình trạng chạy đua lãi suất cũng không còn đáng lo ngại do nếu ngân hàng nào huy động tiền gửi lãi suất cao thì phải cho vay với lãi suất cao tương ứng, như vậy sẽ không cạnh tranh được với các ngân hàng dư tiền đang nỗ lực đẩy ra ngoài nguồn vốn giá rẻ hiện nay.
Minh Hằng