Điều này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm được chi phí vốn vay, đạt hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh cao hơn, mà còn góp phần giúp đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước.
Quyết định giảm các mức lãi suất lần này, trong đó có lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía và cũng hoàn toàn phù hợp với thị trường. Kỳ vọng lạm phát thấp, chỉ khoảng 6 – 7% trong năm nay và quan hệ cung – cầu về vốn đang lệch về phía cung là điều kiện cần cho việc giảm lãi suất. Đó cũng là một xu hướng hoàn toàn có tính thị trường, bằng chứng là trước khi quyết định hạ trần lãi suất huy động được công bố, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động (cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài). Điều này cho thấy thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn trước và đây là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng lãi suất không phải là bài thuốc duy nhất có thể giúp đất nước thoát khỏi sự trì trệ, cũng như giải quyết được mọi tồn tại của thị trường, đặc biệt là không giải quyết được tận gốc của vấn đề: tổng cầu của xã hội vẫn tăng yếu. Vì lý do này mà lãi suất có giảm thêm nữa thì cũng chỉ giúp giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp đã vay, chứ không kích thích doanh nghiệp vay mới vì không ai dám vay để đầu tư mở rộng sản xuất khi thấy cầu thị trường chưa có khả năng tăng trở lại.
Một chính sách tài khóa hợp lý kết hợp với các chính sách khác từ các bộ, ngành liên quan chính là điều mà các doanh nghiệp và cả nền kinh tế chờ đợi. Tất cả đang theo dõi những bước điều hành tiếp theo của Chính phủ. Bởi lãi suất hạ có thể kéo theo nguy cơ tăng nhanh của lạm phát, đặc biệt là trong việc điều hành một số chính sách giá. Quốc hội cũng chuẩn bị có những giải pháp mạnh mẽ hơn về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp…
Câu chuyện lãi suất có liên quan đến các ngân hàng, vốn đang là lĩnh vực được cả nước quan tâm thời gian qua với cụm từ “tái cấu trúc” quen thuộc. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang được triển khai mạnh mẽ, việc xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu đã thu được những kết quả bước đầu, giúp thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng dần ổn định, tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống giảm so với trước. Đồng thời với quá trình này, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng giảm dần trong năm 2012.
Tuy nhiên, một trong những giải pháp được nhiều người kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề nợ xấu, đó là việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia đã chưa thể triển khai sớm. Dự thảo Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia của Ngân hàng Nhà nước cũng như đề án xử lý nợ chưa được Chính phủ thông qua. Lý do là đề án chủ yếu tập trung xử lý nợ của các ngân hàng với nhau, chứ chưa cho biết tác động của việc xử lý nợ xấu ấy đến các doanh nghiệp và nền kinh tế, nên chưa thuyết phục được nhiều thành viên trong Chính phủ. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu, xem xét lại đề án, để công ty quản lý tài sản quốc gia này sớm ra đời.
Minh Hằng