Những ngày thảo luận trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tuần qua về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước đã đề cập đến rất nhiều việc lớn, từ cân đối ngân sách, giải quyết nợ công, quản lý ODA, nâng cao năng suất lao động, nguy cơ Việt Nam bị tụt xa so với ba nước Lào, Campuchia và Myanmar… đến tham nhũng trong lĩnh vực công, tham nhũng nhà công vụ, hối lộ tình dục… và việc tưởng dễ, nhưng lại rất khó giải quyết là tăng lương cho người lao động.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay của Quốc hội là ngân sách quốc gia đang lâm vào tình trạng đặc biệt khó khăn. Lạm phát đã ở mức rất thấp nhưng không có tiền để bung ra. Hiện nay, mức chi thường xuyên chiếm 67,3%, chi đầu tư phát triển chỉ được 17,1% (chưa bao giờ thấp như vậy), còn chi trả nợ chiếm 13,2% tổng chi ngân sách. Nợ công theo dự báo thì đến năm 2020 mới đạt ngưỡng 65% GDP, nhưng năm 2015 có khả năng sẽ xấp xỉ ngưỡng đó, do đó nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng để đầu tư phát triển trong các năm 2016-2020 thì lại phải vay nữa, mà lượng vay sẽ không thể nhỏ.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015, các đại biểu đã thảo luận và nhận định rằng thời gian qua, quá trình tái cơ cấu đầu tư diễn ra thiếu đồng bộ, chưa phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để làm động lực cho nền kinh tế. Đầu tư cho các ngành có liên quan trực tiếp để phát triển con người như khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế cũng có xu hướng giảm, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng chỉ cần hạn chế những tiêu tốn vô dụng (rất nhiều công trình xây xong bỏ hoang như bến cảng, nhà công vụ, nhà văn hóa, làng văn hóa, ký túc xá sinh viên, thậm chí cả cầu đường nhưng vẫn cứ xây tràn lan, cái sau to hơn cái trước), nghiêm túc thực hành tiết kiệm và giảm thiểu rủi ro thiên tai, cháy nổ thì đất nước đã không phải gánh nợ như hiện nay.
Một số đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh để thực hiện cải cách tiền lương, quyết liệt cắt giảm bộ máy 2,8 triệu cán bộ viên chức. Có thể thấy một quan điểm tương đối thống nhất của Quốc hội là cho dù trong năm 2015 không có đủ nguồn chi để tăng lương cho tất cả, vẫn phải ưu tiên tăng lương cho những người lương thấp, người có công, người về hưu. Trên thực tế, chỉ qua điều chỉnh một số công trình mà Bộ Giao thông Vận tải đã tiết kiệm được khoảng 35 ngàn tỉ đồng, vì vậy nhiều đại biểu đề nghị cố gắng nâng tỷ lệ người được tăng lương bằng các nguồn tiền tiết kiệm (trong đó có việc giảm chi phí hội họp, lễ lạt…), chống thất thu ngân sách và những khoản thu hồi được từ các án tham nhũng.
Nguyễn Thắng