Trong báo cáo “Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018” công bố vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Liên Hiệp Quốc nhận định sau khi đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2017, tình hình kinh tế toàn cầu cũng sẽ tiếp tục lạc quan ít nhất là trong năm tới.
Sở dĩ nền kinh tế toàn cầu đạt được mức tăng trưởng như vậy chủ yếu là nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh của một số nền kinh tế phát triển, cùng với Đông Á và Đông Nam Á được xem là những khu vực năng động nhất thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có nhận định tương tự và khẳng định đà hồi phục kinh tế thế giới trở nên vững chắc hơn khi tăng trưởng kinh tế đang cải thiện ở Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản.
Trong bản cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự đoán kinh tế thế giới năm 2018 sẽ tăng trưởng 3,6%, tương tự số liệu ước tính hồi tháng 4-2017 của định chế này, tuy nhiên vẫn có một số điều chỉnh đáng chú ý đối với các nền kinh tế lớn.
IMF dự đoán kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong cả hai năm 2017 và 2018, thấp hơn mức dự kiến 2,3% và 2,5% trước đó. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Vương quốc Anh năm 2017 từ 2% xuống còn 1,7% trong bối cảnh tác động của sự kiện Brexit vẫn chưa rõ ràng.
Bù vào sự sụt giảm này là triển vọng đang cải thiện ở các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo IMF, kinh tế Eurozone dự kiến tăng trưởng 1,9% năm 2017 và 1,7% năm 2018.
Trong khi đó kinh tế Nhật Bản cũng đang có sự cải thiện về triển vọng tăng trưởng với mức dự kiến 1,3% năm 2017, cho dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại còn 0,6% năm 2018.
Theo IMF, sự tăng trưởng khởi sắc trong năm 2017 phần nào nhờ một loạt sự kiện đặc biệt như việc bình ổn giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu, và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ mặc dù đạt thành tựu về ngắn hạn như trên, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng những căng thẳng địa chính trị, cùng với những thách thức về dài hạn.
Báo cáo chỉ ra bốn lĩnh vực mà việc cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô có thể mở đường để giải quyết những thách thức này, bao gồm: tăng cường đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bất bình đẳng, hỗ trợ đầu tư dài hạn và giải quyết những thiếu sót về thể chế.
Việc định hướng lại chính sách để giải quyết những thách thức nói trên có thể thúc đẩy mạnh đầu tư và năng suất, tạo ra nhiều việc làm hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trung hạn bền vững hơn.
Trong số các thị trường mới nổi, Đông Nam Á được đánh giá phát triển tích cực trong năm 2018. Việt Nam và Philippines vẫn là hai điểm sáng với mức tăng GDP 6,5%, Indonesia 5,3%, Singapore và Myanmar tăng trưởng có phần chậm lại.
Dưới một góc nhìn khác, Giáo sư kinh tế Đại học New York – Tiến sĩ Michael Spence, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 – trong bài viết gần đây đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong thời đại hiện nay, theo đó nền tảng công nghệ số sẽ giúp tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực quảng cáo, hậu cần và tài chính. Những nền kinh tế thiếu nền tảng công nghệ số sẽ rơi vào bất lợi.
Theo bài viết, Trung Quốc và Mỹ sẽ thống trị trong những năm tới khi hai nước này tiếp tục tập trung đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản và sẽ gặt hái được lợi ích từ các phát minh được thương mại hóa. Đây cũng sẽ là những nước xuất hiện các tương tác về kinh tế và xã hội, do đó sẽ được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng, rút ngắn được khoảng cách thông tin. Điều quan trọng hơn cả đó là năng lực trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của chúng sẽ giúp tạo ra được một lượng lớn dữ liệu quan trọng.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, kinh tế thế giới năm 2018 cũng phải đối mặt với các thách thức do sự phân hóa xã hội và chính trị gia tăng. Trước hết xuất phát từ nguyên nhân đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ khi đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump có muốn rút lui khỏi các hợp tác quốc tế hay không.
Bất chấp các cam kết và sự kêu gọi đến từ các quốc gia khác, Mỹ vẫn tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều này cũng tạo ra những bất đồng trong chính nội bộ nước Mỹ khi các thành phố, các tiểu bang, các doanh nghiệp và các tổ chức vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra những nguy cơ về chính sách và địa chính trị có thể cản trở xu hướng tăng trưởng trong năm 2018. Một vài trong số đó liên quan đến chính sách đối nội, nhất là ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Một số nguy cơ khác mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về Brexit và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao hay thậm chí là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị hoặc thậm chí là quân sự tại nhiều nơi trên thế giới.
- Tổng hợp