Cuốn du ký kể cho bạn đọc hình dung về một thời nhộn nhịp trong thế kỷ 17 – 19 khi con đường tơ lụa rẻ năm xẻ bảy để những nẻo đường giao thương nối mạch lạc vào nhau vào trục chính…
Con đường tơ lụa đã ngủ yên vĩnh hằng khi phương tiện giao thông tàu hỏa, tàu thủy và máy bay dân vụng ra đời. Ký ức về một con đường giao thương cổ xưa nối qua hai thềm lục địa Á – Âu, với những đoàn lạc đà rong ruổi bước chân qua giọt sương hạt nắng sa mạc mỗi khi xuân về dường như vẫn con quanh quẩn trong tập du ký “Vàng son một thuở Ba Tư” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành trong tháng 3.2020.
Trong sương khói sa mạc, đoàn thương gia cùng gói hàng gồ ghề trên lưng lạc đà, cất tiếng hát à ơi để quên đi nỗi nhớ nhà. Giữa hoang mạc bơ vơ, những mái vòm thật cao của Thánh đường Hồi giáo được ốp bằng viên gạch men màu ngọc lam sẽ lung linh sắc màu mỗi khi ánh tà xuống và khi đêm về ánh lửa bập bùng dọi lên sẽ trở thành ngọn hải đăng xanh biếc dẫn lối đoàn lạc đà.
Nguyễn Chí Linh – tác giả cuốn du ký – cũng trẻ con khi xuống xe buýt giữa đường để được làm thương gia lạc đà một đêm. Câu chuyện của Linh bên trong trạm dừng chân xưa cũ là trải nghiệm thú vị với một con đường đã bị gió cát sa mạc chôn vùi.
Thương gia cũng nhiều thành phần khi ghé qua trạm dừng chân như cách họ sẽ chọn từng loại phòng để qua đêm. Trước khi đến kinh đô phồn hoa Isfahan, trạm dừng chân sẽ dành một phòng riêng để nơi ấy đoàn thương gia có thể bày biện những mặt hàng quý hiếm như cách mua sỉ.
Tất nhiên là quân sự song hành với kinh tế, nhưng theo sau con đường tơ lụa là nơi để những nét văn hóa Đông Tây hội tụ khi Ba Tư gần như làm chủ mọi nẻo đường giao thương. Những cánh hoa hồng châu Âu đã làm ngẩn ngơ các nhà thơ cổ Ba Tư để rồi Iran ngày nay chưa chọn quốc hoa chính thức, nhưng tập thơ “Gulistan – Hoa hồng” của ông Saadi Shirazi ra đời tại cố đô Shiraz vào 1258 được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hết lòng khen ngợi. Viếng thăm Tehran 2012, ông Ban Ki Moon ngâm một đoạn thơ trong tập thơ “Hoa hồng” để thể hiện nghi thức quan hệ ngoại giao.
“Vàng son một thuở Ba Tư” còn là những chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho người lữ hành có thể mua các món quà lưu niệm ưng ý vừa tay bởi mỗi thành phố của Iran ngày nay nằm trên con đường tơ lụa xưa cũ đều có những mặt hàng “chiến lược” riêng biệt. Giá trị của nhụy hoa Saffron (nghệ tây) màu đỏ tươi sinh trưởng trên vùng đất Isfahan, vẫn còn giá trị cho đến nay khi là loại gia vị đắt tiền bậc nhất thế giới.
Không chỉ có gia vị Saffron, phương Tây còn phải đon đả với Ba Tư bởi muốn sở hữu những thước thảm tinh hoa. Câu chuyện của Linh kể lại thật hay trong quyển sách với những bí quyết riêng của nhà Safavid khi kết hợp lông cừu, lụa và nhụy hoa Saffron để thảm vẫn cứng cáp hình hài nhưng vẫn êm mượt như nhung mỗi khi đặt chân lên. Chiếc thảm Ba Tư ấy từng xuất hiện trong tập truyện 1.001 đêm và một lần nữa được ông Ban Ki Moon đưa lên đầu trong nghi thức ngoại giao.
Đi chợ Zanjar, Linh lại kể cho bạn đọc hình dung về một thời nhộn nhịp trong thế kỷ 17 – 19 khi con đường tơ lụa rẻ năm xẻ bảy để những nẻo đường giao thương nối mạch lạc vào nhau vào trục chính. Chợ Zanjar là nơi các hoàng tử của nước Nga đánh hàng trăm cổ xe ngựa tìm đến để mua các vật dụng cần thiết bằng đồng có độ bền vững chắc trong nhà bếp để những buổi yến tiệc hoàng cung thêm quý phái và đẳng cấp.
Đọc dở dang, nhưng quyển sách như gợi lại ký ức lộng lẫy về một con đường không thể đo hết giá trị của nó với thời gian, một nền văn minh sinh sôi trong lòng cát và đế chế ấy từng có một thuở vàng son như ánh mắt Đại đế Alexandros của người Hy Lạp nhìn nhận khi băng ngang qua Ba Tư…