Liên tiếp vài tuần nay, các nhà kinh tế phương Tây đưa ra những nhận định không mấy sáng sủa về nền kinh tế đứng thứ hai thế giới trên phương diện tài chính. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng chung là sản xuất công nghiệp vượt quá nhu cầu thị trường, nợ xấu và một hệ thống tài chính dễ tổn thương.
Viễn cảnh kinh tế ở Trung Quốc là một trong các yếu tố khiến chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất điểm hơn 7% trong tuần qua.
Vấn đề được các kinh tế gia đặt ra là liệu tình trạng này có thể chặn đứng được không? Một trường hợp cụ thể cho thấy sự sụt giảm của xuất khẩu Trung Quốc: người phụ trách bán hàng của một doanh nghiệp dệt may tại Quảng Đông cho biết, trong những tháng gần đây xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ còn bằng 50% so với trước. Một ví dụ khác, sản lượng của ngành sản xuất phục vụ xây dựng năm 2012 giảm đến 34%. Đây là một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Sự sụt giảm liên quan đến tất cả mọi loại mặt hàng, từ cuốc xẻng cho đến cần cẩu…
Trong hiện tại, không có gì để hy vọng là nhu cầu hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới sẽ gia tăng. Tại Hoa Kỳ, kinh tế phục hồi chậm chạp, còn ở châu Âu thì không có tăng trưởng.
Trong khi đó, giá đồng nhân dân tệ lại tăng lên khiến giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Tiêu thụ nội địa của Trung Quốc cũng không có triển vọng tăng đột biến. Trong hoàn cảnh hiện tại, một số người trông chờ vào bàn tay của nhà nước trung ương.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sẽ không có một kế hoạch chấn hưng kinh tế như hồi năm 2008 với một số tiền cho vay khổng lồ được tung ra.
Tờ báo kinh tế Les Echos cho rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là cải cách mô hình kinh tế và các tân lãnh đạo Trung Quốc phải thay đổi tận gốc đường lối của mình.
Nguyễn Nam