Khoảng 80 năm trước, Picasso đã vẽ bức Guernica trong tầng gác mái một ngôi nhà ở Paris, ngay sau khi nhà danh họa nhận được những thông tin về vụ ném bom thảm sát của máy bay phát xít xuống một làng quê nhỏ bé ở xứ Basque trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tác phẩm đầy sức ám ảnh đó đã trở thành một tiếng thét căm hờn của nhân loại trước sự tàn phá của chiến tranh. Đến hôm nay, tiếng thét ấy vẫn còn vang dội, nói cách khác Guernica vẫn còn nguyên vẹn giá trị tố cáo tội ác trong chiến tranh, khi mà nhiều vùng đất trên thế giới vẫn đang hứng chịu bom đạn từng ngày…
Đó là một bức tranh sơn dầu khổ lớn chỉ với ba màu đen, xám, trắng, thể hiện những hình ảnh thảm thiết của con người và loài vật đang trải qua nỗi đớn đau khủng khiếp khi bom đạn trút xuống Guernica vào ngày 26-4-1937. Cụ Luis Ortiz Alfau, năm nay vừa tròn 100 tuổi, vẫn còn nhớ cái ngày tang thương đó khi phải “đi nhặt các xác người chết và người bị thương”. “Vào khoảng 4g sáng, ba chiếc máy bay của Đức và Ý bay đến, chúng ném bom xăng gây cháy và Guernica bắt đầu bùng cháy”, người cựu chiến binh của quân đội Cộng hòa chống chế độ Franco kể lại.
Để kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của một trong những kiệt tác hội họa lừng danh nhất, Bảo tàng Hoàng hậu Sofia ở Madrid, nơi đang trưng bày bức Guernica, đã tổ chức một sự kiện mỹ thuật vinh danh Picasso và Guernica, bắt đầu từ ngày 4-4-2017. Có mặt trong ngày khai mạc sự kiện này, ông Bernard Ruiz-Picasso cháu nội của nhà danh họa đã phát biểu với báo giới: “Trong ký ức tập thể (nhân loại), bức Guernica quan trọng đến mức được coi như một tác phẩm nghệ thuật thiêng liêng, bởi không ngừng lên tiếng cổ vũ cho hòa bình thế giới”. Bà Rosario Peiro, người trông coi các bộ sưu tập của Bảo tàng Hoàng hậu Sofia cho biết người dân Syria đã dùng hình ảnh bức Guernica để phản kháng cuộc chiến tranh tàn phá đất nước họ trong nhiều năm qua. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc năm ngoái, đại diện thường trực của nước Pháp François Delattre đã so sánh sự hủy diệt tại thành phố Aleppo của Syria với vụ thảm sát tại Guernica tháng 4-1937: “Aleppo đối với Syria là Guernica trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, đó là một tấn thảm kịch của nhân loại, một lỗ đen tàn phá tất cả…”.
Trở lại với cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Vụ ném bom hủy diệt Guernica diễn ra chín tháng sau khi các tướng lĩnh quân đội mà người cầm đầu là Francisco Franco tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ cánh tả được dân bầu chọn. Chế độ quân phiệt của Franco nhận được sự hỗ trợ của phát xít Đức và Ý lúc bấy giờ. Vụ ném bom ở Guernica chính là sự khủng bố đầu tiên mà bọn phát xít nhắm vào dân thường, một chiến thuật được chúng sử dụng trong Thế chiến II. Hai ngày sau vụ thảm sát, Pablo Picasso – vốn đã sống và sáng tác tại Pháp từ năm 1904 – nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của Guernica bị ném bom hủy diệt. Ngày 1-5-1937, ông khởi sự vẽ bức Guernica. Đó là một bức tranh rất lớn, chiều ngang hơn 7m, với hình ảnh những thân người, phụ nữ và trẻ em đang quằn quại trong bom đạn khi thành phố quê hương bị đốt cháy. Với thanh kiếm gãy trong cánh tay đã bị chặt lìa, một chiến binh nằm chết mà vẫn mở to đôi mắt căm hờn, cạnh đó là một con bò, một chim câu trúng thương và một con ngựa đang rên xiết.
“Những mặt người trong tranh như vẫn đang gào thét”, Takahiro Yoshino du khách người Nhật 20 tuổi đã nhận định như thế khi lần đầu được chiêm ngưỡng tác phẩm tại Bảo tàng Hoàng hậu Sofia, nơi đã đón tới 3,6 triệu khách tham quan năm 2016, chủ yếu để được nhìn tận mắt bức Guernica, giống như nhiều triệu khách đã đến với Bảo tàng Louvre ở Paris để thỏa mãn mơ ước được ngắm nhìn kiệt tác Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Không xa đó, cô giáo Sonia Seco Cacaso đang hướng dẫn lớp mẫu giáo của cô đến xem bức Guernica. “Khi xảy ra chuyện không hay, các con phải giải quyết nó nhưng không được giải quyết bằng sự thù địch nhé các con”, cô nói với đám trẻ đang hồn nhiên đứng trước tác phẩm.
Bức Guernica được Picasso vẽ theo yêu cầu của chính phủ Tây Ban Nha đã bị Franco lật đổ để tham gia Triển lãm Expo Paris 1937 và được trưng bày tại gian triển lãm của Tây Ban Nha. Tác giả đã có mặt trong ngày khai mạc 25-5-1937. Cũng trong ngày đó, Hitler đã dự khai trương gian triển lãm của nước Đức dưới chế độ quốc xã. Trong hồi ký của mình, nhà văn Jorge Semprun (sau này trở thành Bộ trưởng văn hóa Tây Ban Nha) cho biết nhà phê bình người Anh khá tiếng tăm lúc đó là Anthony Blunt đã phê phán tác phẩm khi cho rằng “Picasso đã thuộc về quá khứ”. Nhận định đó đã hết sức sai lầm, bởi Picasso và Guernica vẫn sống mãi theo thời gian như lời của nhà thơ Pháp Michel Leiris khi ông viết tác phẩm vĩ đại của Picasso là “một lời than khóc: tất cả những gì chúng ta yêu thương sẽ chết đi” giữa lúc bóng ma Thế chiến II đang dần hiện ra và khi mà lực lượng Cộng hòa đã thất bại trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Năm 1939, tướng Franco lên cầm quyền và chế độ quân phiệt của ông ta thống trị Tây Ban Nha suốt 36 năm sau đó. Chính phủ Cộng hòa phải lưu vong và bản thân bức Guernica cũng bắt đầu một “cuộc sống lưu vong” như lời bà Rosario Peiro. Sau khi được trưng bày tại Expo Paris, từ năm 1937 tác phẩm được triển lãm lưu động ở châu Âu và Mỹ nhằm gây quỹ giúp đỡ những người Tây Ban Nha tỵ nạn Franco. Đến năm 1939, Picasso gửi Guernica cho Bảo tàng MoMA ở New York và bức tranh yên vị ở đó trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, tác giả cho biết tác phẩm của ông sẽ thuộc về nhân dân Tây Ban Nha chỉ khi nào tổ quốc của ông khôi phục mọi quyền tự do mà chính quyền Franco đã tước đoạt. Cuối cùng thì tâm nguyện của ông đã thành sự thật: năm 1981, bức Guernica trở về Tây Ban Nha sau cái chết của Franco và nền dân chủ được tái lập. Tranh được trưng bày lần đầu tiên ở quê hương của tác giả là tại Bảo tàng Prado (Madrid) và được bảo vệ bởi một tấm kính chống đạn, bởi tình hình chính trị ở Tây Ban Nha lúc đó còn rất phức tạp, theo lời ông Jorge Semprun. Rồi Guernica được đưa tới Bảo tàng Hoàng hậu Sofia, trở thành “siêu sao” ở đó.
Với ông Jose Lebrero, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng Picasso ở thành phố Malaga, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà danh họa thì Guernica là “một trong những họa phẩm lịch sử chủ yếu, giống như các tác phẩm đề tài lịch sử của Courbet hay Delacroix, cho phép chúng ta nhớ lại một sự kiện lịch sử vô cùng khó khăn”, đặc biệt là bức tranh còn khiến chúng ta thấm thía “trong một tình huống chính trị lạ thường và gây nhiều âu lo mà chúng ta đang trải qua”.