Một câu chuyện tình buồn xa lắc như đưa khán giả trôi về thời xưa cũ. Kịch bản được viết trong bối cảnh của những năm thời bao cấp, con người ta còn quá ngặt nghèo về hai chữ đói no. Kim Ly (Hoàng Vân Anh đóng) là một nữ ca sĩ có vẻ đẹp xanh xao, mảnh mai và yếu ớt nhưng bù lại, giọng hát của cô lại ấm áp, làm mê muội lòng người. Nhạc sĩ Lê Trần (Thế Hải vào vai) là người đàn ông chỉ biết đắm mình trong sáng tác, có thể làm đẹp lòng Kim Ly bằng chính tài năng và tâm hồn của mình. Kịch bản chuyển động theo một lối nghĩ rất thông thường, ở đó chàng nhạc sĩ không thể mang lại đời sống vật chất sung túc cho nàng thơ của mình. Anh ta chỉ biết khóc than cho thân phận và oán trách người tình sao nỡ bỏ đi. Kim Ly bỏ rơi Lê Trần cũng chỉ để tìm một cuộc sống của những người phụ nữ bình thường, có con cái và yên ấm. Người đàn ông Kim Ly chọn làm vị hôn phu là một bác sĩ. Thời bao cấp, làm bác sĩ là một nghề khá trong xã hội vì ngoài tiền lương còn có thu nhập phụ khi khám ngoài giờ. Cuộc đời Kim Ly thế rồi lại tuần tự đi theo một lối mòn quen thuộc. Cố ép mình trong gia đình, cô muốn quên đi ca nhạc, quên với ánh đèn sân khấu mà trước đây hằng đêm từng tràn đầy hạnh phúc trong tiếng vỗ tay của khán giả. Cô quanh quẩn với chuyện cơm nước, làm sao cho đẹp lòng chồng. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn, tiếng hát xưa vẫn có một tiếng nói riêng, vẫn khát khao và cháy bỏng. Bi kịch đến khi cả ba người đều hành xử theo con tim.
Vở kịch không mang lại cho khán giả điều lạ lùng và bất ngờ, nhưng nỗi buồn lâm li làm nhân vật phải vật vã khóc thì nhiều. Người xem buồn vì những tâm sự đắng lòng mà tác giả mang tới, buồn vì câu chuyện xưa cũ tái hiện, buồn vì diễn viên than khóc nhiều. Nhiều người khi xem vở kịch này lại nhớ nghệ sĩ Kim Cương một thời từng làm cả khán phòng phải khóc theo. Chính nước mắt khán giả tạo nên tài năng để tên tuổi của Kim Cương thành một nghệ sĩ lớn. Kịch buồn, kịch xưa cũ không bao giờ là điều dở của sân khấu. Làm kịch lấy được nước mắt khán giả không phải dễ.
Ba nhân vật của vở kịch đều có một màu buồn khá ủy mị. Kim Ly của Hoàng Vân Anh có lẽ mang nỗi buồn đẹp nhất. Vân Anh diễn tả tình yêu của một ca sĩ đầy mong manh, giằng xé. Người đàn bà trong Kim Ly có hai nửa. Một nửa muốn sống hạnh phúc trong đời thường, nửa kia lại muốn đốt cháy cho khát vọng. Sống với ai, Kim Ly cũng không yên. Chính sự bất ổn trong tâm hồn và đa đoan làm cô khổ. Bác sĩ Tâm (Ngọc Tưởng thủ vai) là một con người hiền lành và chân thành. Anh yêu đến si mê, đơn giản cho rằng cuộc sống chỉ cần mình sống chân thành là sẽ có hạnh phúc. Là bác sĩ tận tâm nhưng anh không hòa được vào thế giới tâm hồn của vợ. Bi kịch xảy ra khi vợ anh bỏ đi với người tình xưa. Chắc chắn khán giả sẽ chia sẻ được nỗi đau của bác sĩ Tâm nhưng lại khó lý giải vì sao một con người hiền từ và nhân hậu như anh lại trả thù tình bằng cách lạ như thế. Trong lúc bệnh tình của Kim Ly nguy kịch, bác sĩ Tâm bắt tình địch phải hát đúng bài hát mà đôi uyên ương Kim Ly – Lê Trần từng gặt hái thành công và cũng là bài khiến bác sĩ Tâm si mê nữ ca sĩ ấy. Tâm đưa ra điều kiện nếu Lê Trần không hát, anh sẽ từ chối ca mổ cứu Kim Ly. Chứng kiến cảnh Tâm lầm lì bắt Lê Trần hát trong tiếng khóc nức nở như một sự van xin, bị sỉ nhục mới thấy sự độc ác trong con người bác sĩ Tâm. Đau vì thất tình thì người ta hay nghĩ cách trả thù, nhưng với một bác sĩ như Tâm thì trả thù như vậy nếu có chắc cũng chỉ xảy ra trong tưởng tượng. Cảnh diễn không làm người xem khóc chung với nhân vật, mà chỉ tạo cảm giác khó chịu vì hình ảnh hai người đàn ông đã trở nên quá hèn kém. Đây là chưa kể lỗi sơ đẳng của kịch bản là làm sao Tâm – người chồng cũ của Ly trong trạng thái bị kích động mạnh làm sao có thể mổ thành công được. Chính vì thế, lý giải nỗi buồn mà tác giả Ngọc Tưởng muốn đưa vào nhân vật còn chông chênh. Xem ra, Thế Hải có phần chưa với tới được vai diễn Lê Trần. Đây là một vai hay, diễn viên có cơ hội làm xiêu lòng khán giả. Lê Trần tài năng nhưng bất lực trước vòng xoay của cơm áo. Đáng lẽ khi anh mất nàng thơ, anh đau khổ, sáng tác sẽ càng hay. Nếu như bản nhạc buồn do anh sáng tác lúc nàng bỏ đi sẽ trở thành tác phẩm đầy ấn tượng, mạnh mẽ, cuồng nhiệt để làm lực hút người anh yêu trở về thì hẳn là vở kịch sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn. Nỗi buồn vì chàng nhạc sĩ của Thế Hải khóc nhiều quá, rũ mình nhiều, mất hẳn đi phong độ thì đáng buồn cho diễn viên hơn cho nhân vật.
Trở về dòng kịch để lấy được nước mắt khán giả hôm nay có lẽ khó hơn thời trước vì hiện thực cuộc sống đã cho chúng ta nhiều cảm xúc khác. Thời nay, hình ảnh người nghệ sĩ giàu có luôn gắn với đỉnh cao nghệ thuật của mỗi tên tuổi. Câu chuyện Buồn ơi, chào mi có thể làm ta nhớ một thời không quên. Đôi khi, nhìn lại nỗi buồn ngày xưa ta lại thấy buồn cười chứ không khóc. Mang thông điệp “Hạnh phúc chỉ đến khi ta sống đúng với những khát vọng và say mê của con tim”, vở kịch này dẫu hướng tới sự sâu sắc trong từng diễn giải, đắm chìm trong quá khứ, các nhân vật vẫn chỉ nghiêng về “buồn ơi”, còn cảm giác “chào mi” thì chưa mạnh.
Việt Nga