Theo ông Somavia, khu vực này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ ngày ra đời của đồng tiền chung châu Âu và chính sách khắc khổ đang được áp dụng không phải là điều mà ILO ủng hộ. Chủ trương của ILO là bất cứ một chiến lược phát triển nào cũng cần lấy công ăn việc làm của người lao động làm cốt lõi. Tính đến tháng 4-2012, tỷ lệ người thất nghiệp trong khu vực đồng euro đã lên đến 11% lực lượng lao động, với 17,4 triệu người đang ráo riết tìm việc làm nhưng không có mấy triển vọng.
Thanh niên châu Âu xuống đường biểu tình đòi việc làm
Riêng số lao động trẻ dưới 25 tuổi đang thất nghiệp chiếm đến 22% tính chung trên toàn khu vực, đông nhất là tại Tây Ban Nha và Hy Lạp với 50%, Ý, Bồ Đào Nha và Slovakia với 30%. Đó là chưa kể một số cơ sở sản xuất đang rơi vào tình trạng đình trệ nhưng còn cố níu giữ người lao động với hy vọng vào một sự hồi phục trong tương lai. Tình hình sẽ còn tệ hại hơn khi nhiều nước xem chuyện thải bớt người lao động như một biện pháp cải thiện nền kinh tế. Để góp phần ngăn chặn những bất ổn hơn nữa trên thị trường lao động, ILO đề xuất một số biện pháp cấp bách cần được khu vực đồng euro nghiên cứu áp dụng, trước tiên là tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ được ngân hàng cho vay tiền nhằm ổn định sản xuất, tổ chức huấn luyện, đào tạo những người còn trẻ nhưng chưa có việc làm, điều chỉnh mức lương tùy theo năng suất lao động. Để thực hiện có hiệu quả những biện pháp trên, theo ILO, cần một khoản kinh phí tương đương 25,7 tỉ USD, bằng 0,5% tổng mức chi tiêu của các chính phủ trong khu vực.
Lê Cẩn theo AFP, Telegraph