Hãy xem một số tác giả nổi tiếng hiện nay, trước khi tạo dựng sự nghiệp văn chương lẫy lừng, đã vào đời bằng những công việc gì. Cho đến ngày chuyển sang nghiệp viết, dành trọn thời gian cho công việc sáng tác, cũng như bạn nộp đơn xin chân bán hàng hay kế toán đầu tắt mặt tối, hầu hết các nhà văn đều đã lao động vất vả để kiếm sống.
Họ tranh thủ ban đêm và những ngày cuối tuần để sáng tạo và mài giũa những tác phẩm mà sau này trở thành kiệt tác của họ. Một số nhà văn yêu thích của chúng ta, từ Harper Lee đến Sebastian Junger, phải làm nhiều nghề kiếm kế sinh nhai ngõ hầu đủ sức bước đi trên con đường nhọc nhằn, gập ghềnh xa hút để trở thành những nhà văn tài danh, những ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn chương. Trước cảnh lũ lượt sinh viên đã tốt nghiệp bịt kín khẩu trang, chen chúc tìm việc, nện gót trên vỉa hè mùa này, chúng ta như đang thấy nỗi trần ai, sự rùng mình kinh hãi hay tình trạng choáng ngợp đến lóa mắt và những lúng túng âu lo trong giai đoạn khởi nghiệp của chín nhà văn tài danh, và chúng ta hình dung làm thế nào họ có thể ra sách.
Hilary Mantel: Nhân viên xã hội
Tiểu thuyết gia hai lần đoạt giải Booker Hilary Mantel đã làm việc với vai trò phụ tá công tác xã hội tại trung tâm chăm sóc người già yếu sau khi tốt nghiệp Đại học Sheffield đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Trong một tiểu luận đăng trên London Review of Books, bà thuật lại một cách chi tiết về những lần “xuống các khu phố và các thị trấn lân cận, làm báo cáo về các tình trạng bệnh tật hết hy vọng ở một số gia đình cho tổ chức hay khi chăm sóc người có bệnh sử tâm thần”. Ta có thể hình dung cách nhìn trực diện từ rất sớm về xã hội học ấy đã hiện rõ dấu ấn trong các tiểu thuyết Wolf Hall và Bring Up the Bodies của bà, cùng những hiểm họa thị tộc lan tràn.
Harper Lee: nhân viên phòng vé máy bay
Sau sự nghiệp học thuật đầy triển vọng tại Đại học Alabama ở Tuscaloosa, Harper Lee chuyển đến thành phố New York vào năm 1949 lúc 23 tuổi để theo đuổi ước mơ trở thành một nhà văn. Trong nhiều năm cô làm nhân viên phòng vé máy bay để kiếm sống, cho đến khi một cặp vợ chồng hào phóng mà cô đã kết thân – nhà soạn nhạc cho sân khấu Broadway, Michael Martin Brown và vợ – chu cấp cho cô hẳn một năm để cô có thể chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương. Kết quả cuối cùng sau một năm dành trọn thời gian vào sáng tác là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của cô, Giết con chim nhại.
Langston Hughes: Thư ký riêng cho học giả nổi tiếng
Nhờ có thơ văn và tiểu luận đã xuất bản, Langston Hughes (nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia nổi tiếng người da đen tại Hoa Kỳ) – năm 23 tuổi – chuyển đến thủ đô Washington vào năm 1925 làm trợ lý riêng cho Carter G. Woodson, một học giả tiên phong người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, một thời gian sau, Hughes thôi việc trở về New York, nơi mà phong trào văn hóa – xã hội Thời Phục Hưng Harlem đang diễn ra sôi nổi nhất.
Anne Rice: Nhân viên thẩm tra bảo hiểm
Sau khi tốt nghiệp đại học, Rice ở lại vịnh San Francisco làm đủ thứ việc lặt vặt, gồm cả nhiệm vụ của một nhân viên thẩm tra bảo hiểm. Các chi tiết tài chính quen thuộc với cô đã truyền cảm hứng cho cô trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên về ma cà rồng, nếu không thì Interview for a Vampire (Phỏng vấn ma cà rồng) chắc tẻ nhạt lắm.
Jeanette Walls: Người phụ trách mục lượm lặt
Jeanette Walls bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình với vai trò phụ trách mục Người đưa tin của Tạp chí New York. Trong lần trả lời phỏng vấn Bookish gần đây, Walls đã diễn tả cái kiểu theo đuôi ve vuốt lấy lòng “nhà giàu, người đẹp – những người tự cho mình là hoàn hảo” xem cô không hơn “chó cảnh”. Cuối cùng, góc nhìn trần trụi cay nghiệt đầu đời của cô đã xoáy vào những người nổi tiếng trong cuốn hồi ký bán chạy nhất của mình, The Glass Castle (Lâu đài thủy tinh).
John Green: Giáo sĩ bệnh viện nhi
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kenyon năm 2000, John Green làm giáo sĩ tại một bệnh viện dành cho trẻ em. Trong khi ông thừa nhận, trên trang web cá nhân, rằng mình “không phải là một giáo sĩ tốt lắm”, thì ta cũng dễ hình dung sự gần gũi bệnh nhi hiển hiện trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của ông, The Fault in Our Stars (Sai lầm của những ngôi sao), kể về một chuyện tình lãng mạn giữa hai bệnh nhân tuổi teen sống sót sau căn bệnh ung thư quái ác.
Shel Silverstein: Họa sĩ tranh phản chiến
Năm 1950, nhà thơ và người vẽ tranh minh họa, Shel Silverstein gia nhập quân ngũ ở tuổi 20. Và không lâu sau, ông bắt đầu công việc của một họa sĩ tranh phản chiến cho tờ báo Stars and Stripes (Sao và sọc) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuối cùng thì tài năng của ông được dùng vào việc… minh họa cho các tập thơ tâm đắc của mình, Where the Sidewalk Ends, A Light in the Attic và Falling Up…
Sebastian Junger: Chuyên viên cắt tỉa cây
Sebastian Junger, người ưa mạo hiểm, từng làm công việc leo trèo trong các công ty cắt tỉa cây suốt vài năm sau khi tốt nghiệp trường Wesleyan. Rồi một tai nạn liên quan đến cưa máy khiến ông phải đổi nghề, tập trung cho viết báo, nhưng sự thích thú kích động và ưa cảm giác mạnh không dừng lại ở đó: sách và phóng sự của Junger về các chủ đề khác nhau, từ những thời kỳ bão tố trong lịch sử đến các cuộc chiến trên toàn cầu đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng cùng vô số lời khen. Tác giả sách bán chạy Cơn bão hoàn hảo, phim tài liệu Restrepo…
Bethenny Frankel: Nhà tổ chức sự kiện
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công vang dội cho phim nhiều tập Real Housewives of New York (Những bà nội trợ chính hiệu New York) của nhà văn kiệt xuất Bethenny Frankel dường như là kinh nghiệm và khả năng thích ứng, xoay xở, xử lý tình huống để vượt thoát một cách ngoạn mục mà cô có được từ vai trò người tổ chức sự kiện trong các hoạt động phong trào cũng như những lễ hội công cộng từ thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học New York, Frankel chuyển đến Los Angeles thử nghề diễn xuất, nhưng buộc phải làm thêm để thanh toán hóa đơn. “Tôi bị khánh kiệt”, cô kể trên tạp chí Forbes. “Tôi mua cơm hộp về ăn, ngày hai bữa”. Frankel đã trải qua cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống lại cảnh nghèo hèn để có được mọi thứ như ngày hôm nay.