Một số nhà văn nổi tiếng thế giới được biết đến với các tác phẩm bất hủ của họ, nhưng cuộc sống cá nhân của họ lại là một câu chuyện khác. Các nhà văn này đã có những cuộc sống rất thú vị và khác thường, và trong khi có rất nhiều sự thật về họ đã được tiết lộ, những câu chuyện về các nhà văn sau đây vẫn là một trong những phát hiện hấp dẫn nhất.
Ernest Hemingway suýt chết vì các tai nạn máy bay
Ernest Hemingway đã sống một cuộc đời phi thường. Trong Thế chiến thứ nhất, ông làm tài xế xe cứu thương, giành được Huy chương Bạc Ý về lòng dũng cảm và Ngôi sao Đồng. Ông tiếp tục đưa tin về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha với tư cách là một nhà báo, và làm phóng viên cho tạp chí Time trong Thế chiến thứ hai. Nhưng ông đã suýt mất mạng bởi hai vụ tai nạn máy bay vào năm 1954.
Vụ đầu tiên đến khi ông và vợ lên chuyến bay ngắm cảnh từ Nairobi đến thác Murchison trên hạ lưu sông Victoria Nile. Chiếc máy bay đã chạm phải một cột điện công cộng và bị rơi, khiến các hành khách và phi hành đoàn cần được chăm sóc y tế. Họ lên một chuyến bay khác đến Entebbe, nhưng chiếc máy bay đã phát nổ trên đường băng, khiến Hemingway bị thương nặng. Cuối cùng ông và vợ đến được Entebbe bằng xe tải, các nhà báo địa phương đã đưa tin về cái chết của ông, Hemmingways có thể đã đọc được cáo phó về chính họ.
Stephen King không nhớ đã viết quyển Cujo
Stephen King là một trong những nhà văn sáng tác nhiều nhất thời hiện đại, ông đã viết gần 100 cuốn tiểu thuyết trong suốt sự nghiệp kéo dài nửa thế kỷ của mình. Điều đó có ý nghĩa là ông nhớ từng chi tiết của các cuốn tiểu thuyết, nhưng có một cuốn mà ông không nhớ là đã viết, và nó cũng là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. King đã viết quyển Cujo vào năm 1981; đó là cuốn tiểu thuyết thứ mười một của ông, nhưng ông không nhớ đã viết nó, hoặc thậm chí đã xuất bản nó.
King đã giải thích về điều này trong quyển On Writing, ông nói: “Có một cuốn tiểu thuyết, Cujo, mà tôi hầu như không nhớ gì cả. Tôi không nói điều đó với niềm tự hào hay xấu hổ, chỉ với một cảm giác thất vọng và mất mát mơ hồ. Tôi thích quyển đó. Ước gì tôi có thể nhớ được những chi tiết thú vị khi tôi đặt bút viết chúng”. King giải thích rằng lý do ông không thể nhớ nổi đó là do tật nghiện rượu và nghiện cocaine của ông. Tối nào ông cũng uống một ly bia và kể từ đó ông đã phải dằn vặt với các chứng nghiện ngập của mình, ông nói rằng đã hết nghiện từ mấy thập niên qua.
Jack Kerouac chưa bao giờ biết lái xe
Jack Kerouac là một nhà văn sáng tác khá nhiều, và vào thời điểm ông qua đời năm 1969 vì tổn thương gan cấp tính, ông đã viết tổng cộng 20 cuốn tiểu thuyết. Mặc dù có một thư mục phong phú, Kerouac nổi tiếng nhất với quyển On the Road, được xuất bản vào tháng 9.1957. Tác giả đã được khen ngợi về tác phẩm của mình về thế hệ Beat (Beat Generation: phong trào văn học có ảnh hưởng có ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị Mỹ thời kỳ hậu chiến. Phần lớn là những tác phẩm vào thập niên 1950), được so sánh với quyển The Sun Too Rises (của Ernest Hemingway), cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho Thế hệ đã mất (Lost Generation). Tác phẩm của Kerouac đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và nó dựa trên những chuyến đi của ông trên khắp Hoa Kỳ.
On the Road là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Kerouac, và nó đã giúp thiết lập Thế hệ Beat ở Hoa Kỳ. Điều kỳ lạ nhất về cuốn sách và bản thân Kerouac là ông không bao giờ học lái xe. Nhà văn có một tác phẩm kể chuyện đi du lịch Hoa Kỳ, nhưng lại không có bằng lái xe, bản thân ông cũng không muốn. Để đi lại, Kerouac dựa vào người bạn thân tên Neal Cassady và những chiếc xe buýt.
George Eliot không phải là đàn ông
George Eliot là một tiểu thuyết gia nổi tiếng thời Victoria, người đã viết bảy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chủ nghĩa hiện thực và cái nhìn sâu sắc về tâm lý với kiệt tác Middlemarch (Cuộc trung chuyển) được quảng bá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại. Những tác phẩm của George Eliot rất thành công, nhưng nhiều người đọc chúng đã không biết rằng George Eliot là bút danh của Mary Ann Evans. Trong khi phụ nữ có thể viết dưới tên của họ từ giai đoạn giữa cho đến cuối thế kỷ 19, bà đã lấy một bút hiệu nam giới để mọi người tin rằng tác phẩm bà viết xuất phát từ suy nghĩ của một người đàn ông hơn là một phụ nữ.
Các tác giả nữ của thời kỳ này chủ yếu viết các tiểu thuyết lãng mạn, và nếu bạn đã từng đọc một tiểu thuyết của George Eliot, bạn sẽ biết những cuốn sách đó nói về cuộc sống tỉnh thành ở Anh. Quyết định viết dưới bút danh của bà khiến thế giới có thể đón nhận các tiểu thuyết của bà một cách nghiêm túc, nhưng còn có một lý do khác. Evans vốn là biên tập viên và nhà phê bình nổi tiếng, bà muốn tách rời tiểu thuyết bà viết với nghề nghiệp riêng của bà. Bà cũng có thể quan tâm đến việc giữ gìn cuộc sống riêng tư của mình, tránh né vụ scandal do mối quan hệ của bà với một người đàn ông đã có vợ.
Franz Kafka chưa bao giờ hoàn tất một tác phẩm
Franz Kafka là một trong những nhà văn mà hầu hết mọi người đã tìm hiểu ở trường trung học bằng cách đọc tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, một truyện ngắn nhan đề Metamorphosis (Hóa Thân). Phong cách viết của ông đã ảnh hưởng đến văn học kể từ khi ông qua đời năm 1924, ông được xem là một trong những chân dung văn học xuất chúng thuộc trào lưu hiện đại thế kỷ 20. Việc ông vận dụng các tình huống kỳ quái và siêu thực để kể lại một câu chuyện dựa trên các chủ đề mà đa số các nhà văn thường tránh né, và tác phẩm của ông độc đáo đến mức từ đó phát sinh ra thuật ngữ “Kafkaesque” (nghĩa là “kiểu Kafka”) để mô tả các tác phẩm tương tự với phong cách viết của ông.
Mặc dù là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thời đại của mình, Kafka chưa bao giờ thực sự viết xong một cuốn tiểu thuyết, mặc dù ông đã chứng kiến một số tác phẩm được xuất bản khi ông còn sống. 3 trong số những cuốn tiểu thuyết của ông đã được in ra, tất cả được tập hợp lại bởi Max Brod, người bạn của ông, sau cái chết của ông. Khi điều đó xảy ra, Kafka muốn bạn ông hủy bỏ những cuốn tiểu thuyết còn dang dở cũng như tất cả các tác phẩm khác của ông, nhưng Brod đã từ chối thực hiện điều mong muốn của ông. Thay vào đó, ông này đã sử dụng các ghi chú của Kafka và những gì ông biết về nhà văn để hoàn thành những cuốn tiểu thuyết của Kafka, các tác phẩm vẫn còn được tái bản cho đến ngày nay.
J.R.R. Tolkien: Nhà nghiên cứu cho quyển từ điển tiếng Anh Oxford
John Ronald Reuel Tolkien là một trong những tác giả vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhưng ông cũng là một nhà thơ, nhà ngữ văn và giảng viên đại học. Tác phẩm của ông nói về vương quốc siêu tưởng, đã tạo ra thế giới Trung Địa thông qua bộ ba tác phẩm The Hobbit (Người Hobbit), The Lord of the Rings (Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn) và The Silmarillion (Viên ngọc Silmarillion). Tác phẩm của Tolkien tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các tác phẩm giả tưởng khác, và ông thường được gọi là “cha đẻ của văn học giả tưởng hiện đại”. Ngoài công việc là một tiểu thuyết gia giả tưởng nổi tiếng, ông đã dành thời gian làm việc cho từ điển tiếng Anh Oxford sau khi phục vụ trong Thế chiến thứ nhất.
Công việc của ông trong từ điển là vị trí dân sự đầu tiên ông sau khi rời quân đội. Ông dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về lịch sử và từ nguyên của các từ ngữ bắt đầu bằng chữ W. Chuyên môn của ông là nghiên cứu các từ có nguồn gốc từ tiếng Đức. Tolkien đã cho cả thế giới hiểu rõ hơn về những từ ngữ như “walrus”, “wampum”, “waggle” và những từ khác. Ngôn ngữ là một trong những thế mạnh của Tolkien, và sau khi viết từ điển, ông đã dành phần lớn thời gian trong thập niên 1920 để dịch cuốn Beowulf, tuy nó đã bị cấm xuất bản mãi cho đến năm 2014, gần 90 năm sau khi ông hoàn thành nó.
Sir Arthur Conan Doyle là người tin vào siêu nhiên
Sir Arthur Conan Doyle vừa là nhà văn vừa là bác sĩ, nổi tiếng với việc tạo ra nhân vật Sherlock Holmes vào năm 1887. Holmes là một trong những nhân vật văn học nổi tiếng nhất trong lịch sử, ông là chủ đề của các tiểu thuyết, các truyện ngắn, các phim truyền hình nhiều tập, và phim điện ảnh. Một trong những khía cạnh quyến rũ nhất của Sherlock Holmes là ông vận dụng chuỗi lý luận và lý trí để khám phá bản chất của một bí ẩn, mang lại cho ông sự khác biệt để trở thành thám tử vĩ đại nhất thế giới. Biết được bản tính của Sherlock Holmes, người ta có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng Doyle hoàn toàn nghiêng về chủ nghĩa thần bí và thế giới siêu nhiên.
Thông qua những sở thích đó, Doyle trở thành người bạn thân với Harry Houdini, nhà ảo thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tuy Houdini đã cởi mở với bạn ông (và với những người hâm mộ) rằng những ảo ảnh của ông là sản phẩm của ảo giác và kỹ thuật, nhưng Doyle không bị thuyết phục. Tác giả tin rằng Houdini sở hữu những sức mạnh siêu nhiên, khiến ông ta có thể làm được những điều tuyệt vời như vậy. Houdini không bằng lòng với ngụ ý này, khi ông ta kiên quyết phản đối phong trào Tâm linh trong những năm 1920. Ông thường xuyên nói thẳng rằng các nhà tâm linh là những kẻ lừa đảo, khiến tình bạn giữa ông và Doyle có sự xung khắc mạnh mẽ về phương diện này.