“Du học là khởi đầu của một chặng đường mới trong cuộc đời”. Câu nói tưởng chừng như thật đơn giản nhưng khi dấn thân vào, bạn sẽ thấm thía được cái ngọt bùi đắng cay. Đối với tôi, đó như một hành trình thỉnh chân kinh xa tít. Bởi lẽ, tôi biết rõ cái đích mà mình phải đến nhưng chẳng biết chút gì về việc mình phải làm hay những khó khăn gì sẽ phải vượt qua.
Đầy những bất ngờ và thử thách, từ việc mang tâm lý chung “ngại khó, ngại sự thay đổi” như bao người, du học sinh phải thay đổi suy nghĩ bản thân để thích nghi với cuộc sống “Không có gì là khó, cứ bắt đầu rồi sẽ tìm được lối ra”. Cuộc sống tự lập bắt người ta biết tự chăm sóc bản thân và đương đầu với những thứ mà ngày xưa thường cho là “việc của người lớn”.
Hòa nhập ra sao?
Ở một mình hay “share” (ở chung phòng): Các bạn sẽ phải tập làm quen với một cuộc sống tự lập. Ngoài chăm sóc bản thân, học hành, rửa chén, giặt giũ hay nấu ăn, bạn còn phải tập làm quen với công việc của cả bố và mẹ thường làm (mẹ: may vá, đi chợ mua các nhu yếu phẩm như bột giặt, muối, đường,…; bố: tìm kiếm chỗ thuê, soạn hợp đồng đặt cọc tiền nhà, thương lượng với chủ nhà các công việc hay chi phí hằng tháng). Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ dịch vụ hỗ trợ của nhà trường hay hỏi thăm ý kiến từ các anh chị lớp trên hoặc các diễn đàn sinh viên Việt Nam du học (http://www.hoisinhvien.net).
Ở với người thân: Đây là cơ hội cho các bạn trải nghiệm qua vai trò “làm dâu, làm rể”. Bạn phải học cách sống hòa đồng và hội nhập với gia đình mới, cách phụ giúp mọi người, cách cư xử và sắp xếp công việc cá nhân của mình sao cho không làm phiền hà tới cuộc sống người khác. Đây thật sự là một thử thách lớn cho bạn nào là con một. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy mình không còn được quan tâm như ở nhà, mất đi vị trí “trung tâm của vũ trụ” cộng thêm cái sốc về văn hóa hay nếp sống và sinh hoạt. Bạn sẽ dễ có cảm giác cô đơn và nhớ nhà hơn là khi phải sống một mình bởi vì bạn đang sống trong một mái ấm gia đình nhưng lại không phải của mình. Cái cách cha mẹ âu yếm chăm sóc con cái sẽ càng làm bạn nhớ nhà hơn. Cách giải quyết tốt nhất là thay đổi suy nghĩ bản thân. “Biết yêu thương, chia sẻ và quan tâm đến mọi người thay vì chỉ đòi hỏi người khác yêu thương mình”. Như vậy bạn sẽ cảm thấy thoải mái giao tiếp với mọi người và dần dần sẽ được công nhận chính thức là một thành viên trong gia đình.
Sự khác biệt về ngôn ngữ, sở thích (tùy theo văn hóa của từng dân tộc) sẽ là rào cản để du học sinh kết bạn. Việc làm đề tài nhóm và tham gia vào các câu lạc bộ của trường (bóng bàn, chơi tem, võ thuật, ca nhạc…) sẽ là nhịp cầu nối hiệu quả cho du học sinh kết bạn. Ai cũng có lòng tự hào dân tộc và thích tìm hiểu điều mới mẻ, nếu bạn tỏ vẻ thích thú tìm hiểu và chia sẻ văn hóa Việt Nam cho mọi người thì sẽ dễ dàng hội nhập. Trường thường cho các hội sinh viên tự tổ chức ngày hội truyền thống của nước mình như một hoạt động ngoại khóa của sinh viên, bạn nên tham gia thường xuyên vì có nhiều điều thú vị và bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới.
Điều đầu tiên du học sinh nên làm khi bước chân vào trường là trở thành thành viên của hội bởi vì bạn sẽ dễ dàng trao đổi bài vở. Các anh chị khóa trên có thể cung cấp những tài liệu học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Nếu gặp vấn đề về cuộc sống và việc làm đều có thể nhờ nhiều bạn trong hội tư vấn và giúp đỡ
(http://www.hoisinhvien.net/forum).
Kết bạn để cải thiện ngôn ngữ
Trình độ tiếng Anh là rào cản lớn nhất trong việc học tập, cho dù bạn có học tiếng Anh giỏi như thế nào ở Việt Nam. Thật ra chỉ có kỹ năng viết và đọc là có thể áp dụng hiệu quả vào cuộc sống từ những ngày đầu. Còn nghe và nói thì thật sự là rào cản lớn nhất, bởi ngôn ngữ nơi đây khác từ cách phát âm, cách nhấn, cách sử dụng từ, tiếng lóng, danh từ riêng và thành ngữ. Ở các trung tâm ngoại ngữ, giảng viên nước ngoài đã nghe quen cách người Việt học phát âm nên dễ dàng hiểu được học viên đang nói gì. Ở bên này, giọng phát âm của bạn rất khác biệt so với mọi người nên rất khó cho người khác có thể nghe được. Cộng thêm danh từ riêng về tên đường, tên món ăn,… làm cho bạn phải tập cách phát âm từng từ một. Dân địa phương nhiều khi nói nhanh, hay nuốt chữ hay nói hạ giọng, đôi khi còn phát âm không chuẩn. Úc có nhiều người nhập cư nên chất giọng phát âm cũng rất đa dạng, đặc biệt tuổi teen toàn dùng từ theo phong cách riêng càng làm bạn thêm khó hiểu.
Bạn nên xem tivi và đọc báo nhiều để nâng cao trình độ tiếng Anh: cách sử dụng từ, thành lập cấu trúc câu, các từ địa phương hay thành ngữ chứ không đơn thuần là học thêm từ mới hay luyện phản xạ nghe. Đó cũng là cách hiệu quả để bạn học hỏi thêm về phong tục tập quán của người Úc. Bạn cũng nên chú ý các cuộc đối thoại của mọi người ở mọi lúc mọi nơi, trên xe lửa hay công viên. Bởi vì đó là cách bạn tập kỹ năng nghe ở mọi hoàn cảnh và hiểu biết đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Điều cuối cùng là sự tự tin trong giao tiếp, lúc ban đầu bạn sẽ có cảm giác thua kém tất cả mọi người về Anh ngữ. Nếu bạn bỏ qua sự mặc cảm sợ sệt đó mà giao tiếp một cách tự nhiên với cả người bản xứ thì bạn mới có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng nói. Hãy kết bạn thật nhiều (bạn nước ngoài giúp bạn giỏi tiếng Anh và mở rộng hiểu biết, bạn người Việt sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề phức tạp trong học tập và cuộc sống hằng ngày). Lưu ý khi nói nên nói chậm, phát âm rõ và nói nhiều câu ngắn gọn đơn giản sẽ giúp mọi người hiểu bạn hơn.
Học và làm: có vị mặn của mồ hôi
Chương trình học có rất nhiều khác biệt, được thiết kế để giúp người học tiếp thu không những kiến thức mà còn xây dựng kỹ năng tự tìm hiểu và ứng dụng vào tình huống thực tế. Ví dụ: Khóa tiếng Anh cho du học sinh mới qua: Thầy cô sẽ đưa ra những đề tài thực tế để yêu cầu mỗi nhóm viết luận và thuyết trình (miêu tả thành phố, các hệ thống giao thông công cộng, phương pháp học tập và cuộc sống của sinh viên đại học…) giúp du học sinh hiểu rõ về môi trường sống mới; tiếp thu kinh nghiệm và làm quen với những bạn năm trên; tìm hiểu thông tin và chuẩn bị kế hoạch học tập cho phù hợp.
Chương trình đại học: Mỗi sinh viên đều có một “password” để vào “internal web pages” (trang web nội bộ) của trường. Nếu biết sử dụng thì rất hiệu quả, vì thầy cô ở lớp không nhắc gì đến chuyện học tập hay dặn dò. Bạn phải tự đọc như đọc báo hằng ngày để tự lập kế hoạch cho chuyện học. Bạn bè và thầy cô cũng chỉ trao đổi với nhau qua internet. Thầy cô sẽ lập một “chat room”, sau đó ai không hiểu gì sẽ “post” câu hỏi lên để mọi người cùng trả lời. Ngoài ra, chương trình học sẽ có một số môn được gọi là phát triển kỹ năng sống. Các bạn sẽ được học cách giao tiếp hiệu quả, cách hợp tác làm việc theo nhóm, cách viết blog để kết bạn và cùng chia sẻ thông tin. Ví dụ, thông thường việc lập nhóm làm đề tài phải tuân theo nguyên tắc “một nửa thành viên trong nhóm phải là du học sinh”, nên bạn phải tự lập một CV giới thiệu bản thân trên chat room của trường để tìm kiếm nhóm. Điều này giúp sinh viên có thêm nhiều bạn mới và khả năng làm việc trong nhóm đa văn hóa. Môn học còn yêu cầu sinh viên viết blog mỗi tuần và quay video clip thuyết trình trên YouTube về các đề tài.
Cách học tốt nhất là:
– Giao lưu nhiều bạn bè để biết nhiều thông tin.
– Đọc sách kỹ và tóm tắt bài mỗi tuần (nên bắt đầu việc học từ tuần đầu tiên bởi khối lượng công việc và hoạt động như thuyết trình, viết tiểu luận, họp nhóm… sẽ càng nhiều thêm vào các tuần sau. Bạn sẽ không còn thời gian cho việc tự học và đọc sách nữa).
– Biết cách sử dụng learning material trên mạng và thư viện.
– Rủ các bạn người Việt học nhóm để giúp đỡ nhau.
– Thu thập tài liệu từ các anh chị khóa trên sẽ rất hữu ích cho bạn như tham khảo những bài viết tiểu luận, giải lại những bài kiểm tra năm trước…
– Lên kế hoạch và ghi chú những gì cần làm trong ngày bởi vì thời gian hạn hẹp, việc đi lại và chi phí xe khá mắc. Một thời gian biểu hợp lý sẽ giúp bạn sắp xếp và cân bằng giữa việc học, làm và sinh hoạt.
– Giải quyết ngay công việc trong ngày, đừng để ngày mai bởi vì bạn sẽ không biết trước được những việc bất ngờ mà mình sẽ phải làm thêm.
– Ngoài ra, nếu muốn mình trở nên năng động, có nhiều kinh nghiệm sống hay những kỷ niệm khó quên về thời du học, bạn nên tham gia những hoạt động ngoại khóa thêm (các câu lạc bộ sinh viên, tổ chức ngày hội Việt Nam, mua sách cũ và bán sách cũ để tiết kiệm chi phí, bán hàng hội chợ, hoạt động từ thiện và làm thêm).
Hầu hết các bạn du học sinh đều phải chật vật sắp xếp thời gian phù hợp cho việc học và việc làm, vì sinh hoạt phí ở Úc rất đắt. Du học sinh tìm việc làm được trả lương bằng tiền mặt từng ngày và không có hợp đồng lao động như bồi bàn, phụ bếp lau dọn, bán hàng… Nhiều du học sinh vì không muốn bị mất việc nên cố gắng làm theo số giờ yêu cầu của chủ, việc học bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu đặt mục đích học tập của mình là chính, biết sắp xếp thời gian hợp lý thì việc đi làm thêm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm sống, khả năng hội nhập nhanh hơn và nhất là biết quý trọng hơn giá trị đồng tiền mà mình đã vất vả kiếm được.
“Du học sẽ là khoảng thời gian đầy niềm vui và nước mắt”. Đừng quá lo lắng và đặt nặng những khó khăn trước mắt, mong rằng bạn hãy tận hưởng nó như một chuyến phiêu lưu, một chút thử thách bản thân. Để rồi bạn sẽ cảm thấy mình lớn lên và mạnh mẽ hơn rất nhiều, như biết cách sống, cách kiềm chế bản thân, cách yêu thương chia sẻ hội nhập, cách đương đầu với gian khổ và cả cách tự xây dựng tương lai theo những gì mình hy vọng.
Trần Thúy An (du học sinh Úc)