Liên Hiệp Quốc vào hạ tuần tháng 1 đã phát đi cảnh báo rằng số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng thêm 11 triệu người trong vòng năm năm tới, do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và nhiều biến động có khả năng xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 212 triệu người thất nghiệp vào năm 2019 so với con số 201 triệu người hiện tại. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trực thuộc LHQ, kinh tế thế giới đang tỏ ra ngày càng yếu kém hơn và những hệ quả từ tình trạng sa sút ấy trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu tại Mỹ năm 2008 và lan ra khắp thế giới, đã có ít nhất 61 triệu người mất việc và con số ấy tiếp tục gia tăng trừ phi có ít nhất 280 triệu việc làm mới được tạo ra trước năm 2019. Dù thị trường lao động đã phần nào được phục hồi tại Mỹ, Nhật và Anh, nhưng cơn khủng hoảng việc làm mới vẫn đang tăng lên tại châu Âu và nhiều khu vực kinh tế khác. Bản báo cáo của ILO cho thấy tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5% trong năm 2017 so với con số 4,7% hiện tại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp vẫn ở mức báo động hai con số. Đáng nói hơn, cuộc khủng hoảng việc làm trong năm năm tới chủ yếu sẽ xuất hiện ở nhóm tuổi lao động 15-24 và trong năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi này trên toàn cầu là 13%, cao gần ba lần so với độ tuổi trưởng thành.
Không chỉ thế, ILO cũng chỉ ra tình trạng mất cân bằng thu nhập trên toàn cầu. Hiện nhóm 10% người giàu nhất của một quốc gia chiếm 30 – 40% tổng thu nhập toàn xã hội, trong khi nhóm 10% người nghèo nhất chỉ thu về từ 2 – 7% tổng thu nhập. Nếu tình trạng ấy tiếp tục diễn ra, niềm tin của người dân vào chính phủ sẽ bị giảm thiểu và nguy cơ bạo động trong xã hội sẽ tăng cao. Tình trạng bất ổn trong xã hội liên quan đến thị trường lao động, mức sống và đồng lương trên toàn cầu, nhìn chung đã lắng xuống trong suốt thập niên 1990-2000 nhưng đã tăng cao trong năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất hiện và giờ đây trong năm 2015, khả năng xảy ra bất ổn xã hội đạt mức cao nhất.
Chia sẻ quan điểm với LHQ, báo cáo từ tổ chức Oxfam International phát hành cùng thời điểm tại Davos, Thụy Sĩ, khẳng định nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện nay sẽ sở hữu hơn 1/2 tổng tài sản của nhân loại trong năm 2016. Giá trị tài sản của những người giàu đã tăng từ 44% vào năm 2009 lên 48,2% tài sản toàn cầu hiện nay. Trong số 34,8 triệu người giàu nhất thế giới, hơn 40% mang quốc tịch Mỹ, 2,7% Nhật Bản, 1,2% Trung Quốc, 8% từ bốn nước giàu nhất châu Âu (Đức, Pháp, Anh, Ý). Tuy nhiên, Oxfam khẳng định hiện tại, một trong chín người trên toàn cầu vẫn đang thiếu ăn và hơn nửa tỉ người có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Rõ ràng, khoảng cách giàu nghèo vẫn ngày một lớn hơn.
Lâm Kiên theo AP và AFP (DNSGCT)