Cả hai ông này đang thảo luận chi tiết kế hoạch với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói nhờ thỏa thuận trên mà có thêm cơ hội về một giải pháp chính trị thay cho cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây vào Syria.
Người đứng đầu ngoại giao của EU, bà Catherine Ashton nói một số quốc gia EU có khả năng kỹ thuật để giúp đảm bảo và tháo gỡ những địa điểm vũ khí hóa học tại Syria.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G-20 ởSt. Petersburg, Nga
Tại Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói ông đang muốn biết thêm về kế hoạch với hy vọng sẽ giúp tìm ra một giải pháp chính trị chấm dứt sự đau khổ của người dân Syria.
Trong quá trình theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria, Nga đã đề xuất Damascus từ bỏ toàn bộ số vũ khí hóa học để tránh được một cuộc tấn công của Mỹ. Nhưng dù người Syria có cho phép các thanh sát viên vũ khí làm nhiệm vụ của họ, việc tìm kiếm và phá hủy tất cả các loại vũ khí này là không dễ dàng. Các ước tính cho biết kho vũ khí hóa học của Syria bao gồm 1.000 tấn hóa chất và việc tiêu hủy số hóa chất này có thể tiêu tốn 1 tỉ USD, theo báo chí Mỹ.
Ngay sau khi Damascus chấp thuận đề nghị của Nga, Nhật báo Phố Wall của Mỹ ngày 12-9 đưa tin Syria đã phân tán kho vũ khí hóa học của mình tới 50 địa điểm, làm Mỹ khó có thể lần theo hết được các kho vũ khí này.
Tờ nhật báo dẫn lời các quan chức Mỹ và Trung Đông cho biết, một đơn vị bí mật mang tên “Đơn vị 450” đã được giao nhiệm vụ phân tán kho khí độc và đạn dược. Thông tin của tờ báo Mỹ đã làm dấy lên nghi vấn về tính khả thi của kế hoạch do Nga đề xuất, mà theo đó sẽ đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Salim Idris, một tướng của phe nổi dậy Quân đội Tự do Syria, cũng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad di chuyển vũ khí hóa học tới Lebanon và Iraq ngay trong lúc giới chức ngoại giao Mỹ và Nga đang thảo luận về kế hoạch đặt những vũ khí này dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Nhật báo Phố Wall dẫn lời các quan chức cho biết, động thái của Syria có thể làm phức tạp thêm khả năng Mỹ tấn công quân sự vào Syria.
Washington cáo buộc khoảng 1.400 người, trong đó có hơn 400 trẻ em, đã bị giết hại trong vụ tấn công bằng khí độc ngày 21-8 của chính quyền Syria ở bên ngoài Damascus. Chính cuộc tấn công này đã khiến Tổng thống Obama lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.
Ngày 12-9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu tiên xác nhận Syria dự kiến sẽ từ bỏ vũ khí hóa học sau khi được Mỹ và đồng minh Nga kêu gọi. Nhưng nhà lãnh đạo Syria cũng yêu cầu Washington từ bỏ đe dọa tấn công quân sự chính quyền của ông để ông có thể thực hiện được kế hoạch bảo toàn kho khí độc.
Trong một diễn biến khác, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng Mỹ và Nga có thể đạt được mục tiêu tiêu hủy hơn 1.100 tấn hóa học vào giữa năm 2014, mặc dù nhóm chuyên gia vũ khí hóa học Mỹ tham gia cuộc đàm phán với phía Nga khẳng định kế hoạch này là khả thi.
Theo kế hoạch đề ra, các thanh sát viên và chuyên gia vũ khí quốc tế phải được phép tiếp cận các địa điểm nói trên để điều tra và bắt đầu tiêu hủy hay vô hiệu hóa vũ khí hóa học.
Được biết, việc điều tra các địa điểm lưu trữ vũ khí này phải được tiến hành vào tháng 11-2013. Hiện vẫn còn nhiều chi tiết cần được thảo luận, chẳng hạn như liệu các kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được tiêu hủy ngay tại chỗ hay phải được di dời sang nước thứ ba để tiêu hủy.
Theo khuyến cáo của Nga, chính phủ của ông Assad đã gửi văn kiện xin gia nhập Công ước quốc tế về chống vũ khí hóa học. Ngày 14-9, văn kiện này đã được chấp nhận và đến ngày 14-10, Syria sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học.
V.Đ tổng hợp