Đi theo xu hướng thể hiện những mâu thuẫn xã hội, trong đó có cả những vụ án kinh dị, các nhà hát kịch đã bắt đầu khai thác những bi kịch phức tạp và nhức nhối hơn trước. Những màn bi kịch theo kiểu những éo le rắc rối trong tình yêu, trong thù hận hoặc kịch kinh dị như Người vợ ma đã từng làm nóng khán phòng nay cũng dần nhạt nhòa vì các sân khấu dường như không còn khả năng “hù” khán giả hay hơn được nữa. Những thủ pháp sân khấu để tạo các yếu tố ma quỷ như tắt đèn, gây tiếng động thót tim hay bất ngờ một chiếc áo từ trên cao thòng xuống như xác chết, kể cả cảnh chặt đầu (dùng thủ pháp xiếc) đã được sử dụng quá nhiều. Mặt khác, sân khấu cũng chưa có đủ trang thiết bị kỹ thuật để tạo cảnh hấp dẫn hơn. Kết quả là khán giả đã tỏ ra nhàm chán với những lối diễn kinh dị cũ.
Những vụ án ngoài xã hội càng phức tạp thì đòi hỏi kịch tâm lý xã hội càng có chiều sâu, không thể để bi kịch sống sượng, giết người man rợ xảy ra trên sân khấu. Đưa yếu tố ly kỳ lên sân khấu đã trở thành một thách đố cho các tác giả và đạo diễn. Đêm vượn hú của tác giả Xuyên Lâm và đạo diễn Chánh Trực là một thể loại kịch vụ án chồng lên vụ án. Cách dẫn dắt câu chuyện giống như một truyện trinh thám đan xen với sự phơi bày những thói đời. Liên – người vợ không chịu nổi sự cô đơn khi chồng đi tù (Mỹ Uyên đóng) đã kéo người tình tên Sinh về nhà (Hữu Quốc thủ vai). Những màn ái ân của hai người, cảnh đứa con chết trong bí ẩn, hình tượng ông Gù (Việt Anh thủ vai) với tiếng hát như từ cõi âm vọng về, những tiếng vượn hú kinh người từ bìa rừng như ai oán… là những màn diễn tạo nên sự hấp dẫn và thu hút khán giả. Mỹ Uyên tỏ ra khá kinh nghiệm trong những pha làm nóng khán giả. Chị diễn gợi cảm mà không gợn dục trần trụi, tạo ra được một sức công phá tâm lý phức tạp của người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách.
Sự bí ẩn trong tình huống và bí ẩn trong cả tính cách nhân vật là điều thành công nhất trong vở kịch này. Bà nội (Lê Thiện đóng) quả là một nhân vật độc đáo. Hình ảnh một bà già ngồi trên xe lăn chỉ xuất hiện với giọng nói lắp bắp, méo mó “Bóng đen, bóng đen!” mang lại cho khán giả một cảm giác rờn rợn. Khán giả gần như không thể biết bà đóng vai trò gì trong những tấn tuồng của những con người trong ngôi nhà nọ. Đã trên 70 tuổi nhưng nghệ sĩ Lê Thiện vẫn buộc người xem phải thấp thỏm chờ đợi điều gì sẽ xảy ra. Sự biến đổi những sắc thái trên gương mặt của bà cùng những biến cố phát triển bất ngờ của tuyến kịch cho thấy một biến hóa tinh luyện đến từng chi tiết của nữ nghệ sĩ tài năng này. Khi bị lật tẩy, người đàn bà bị liệt, luôn phải ngồi trên xe lăn bỗng vùng dậy như một con sói già, giương nanh sẵn sàng bảo vệ tài sản của mình…
Vai Liễu Phố – người đàn bà lăng loàn, trơ trẽn được giao cho người mẫu Trang Trần và chị đã tạo nên những pha nóng bỏng hút mắt khán giả. Nhân vật của Trang Trần là một cô gái đẹp, nhưng dù có cướp đoạt được hạnh phúc của người khác thì cũng chỉ là người tình mà Sinh (Hữu Quốc đóng) bỏ rơi khỏi cuộc chơi. Dường như nỗi đau đời mà Liễu Phố phải chịu đựng còn quá nhẹ. Những màn “dẹo” qua lại với viên trinh thám (Chánh Trực đóng) hay với Sinh kéo rất dài xem ra chỉ có tác dụng làm đẹp cho phần nhìn hơn là diễn cho ra nhân vật. Vở kịch mở ra theo cách mỗi người tự lột dần mặt nạ của mình, vì thế tâm lý nhân vật cũng không quá phức tạp. Bên cạnh đó là cốt chuyện khá chặt chẽ cùng nhiều hành động nên vở kịch cuốn hút được người xem. Tuy nhiên, có lẽ do quá nhấn mạnh yếu tố ly kỳ mà đạo diễn đã chọn sử dụng nhạc pha trộn ầm ĩ và lớn quá mức. Âm nhạc như thế mang tính áp đảo về cảm giác mạnh song không hiệu quả trong việc lột tả nỗi sợ hãi bên trong từng hành vi và lối sống của các nhân vật.
Có thể nói Đêm vượn hú là một vở diễn khá chắc tay của cặp đôi tác giả – đạo diễn cùng dàn diễn viên nhà nghề. Nó mở ra cách làm mới cho sân khấu khi đi sâu vào những đề tài nóng của xã hội. Cái bi thương, oan nghiệt ở đây không bị mô phỏng trần trụi, mà được “trinh thám hóa” để tạo nên sự hấp dẫn mới mẻ. Chính vì thế, nhịp điệu, tiết tấu của vở diễn khá nhanh, phù hợp với xu thế kịch hiện đại.
Việt Nga (DNSGCT 600)