Chênh lệch về thu nhập xảy ra khá phổ biến trong hôn nhân và tạo không ít áp lực cho các mối quan hệ.
Lấy trường hợp là một cặp vợ chồng cùng làm việc chăm chỉ và chi tiêu tương ứng với mức thu nhập. Nhưng nếu tỷ lệ thu nhập là 30-70 thì ai sẽ được chi tiêu nhiều hơn? Có cách nào giải quyết sự chênh lệch này và làm thế nào xác định ai có quyền xài tiền nhiều hơn ai?
Những mâu thuẫn khó tránh
Những vấn đề về tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn và một số chuyên gia hôn nhân – gia đình cho biết thêm, sự khác biệt lớn giữa thu nhập, bất kể ai có thu nhập cao hơn, có thể làm trầm trọng thêm những xung đột này.
Một thực tế khác là chênh lệch thu nhập tự nó không dẫn đến ly hôn, nhưng nếu kèm theo những vấn đề nghiêm trọng, không thể giải quyết khác, mới khiến vợ chồng ly hôn.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ, Marlin Potash, về các vấn đề gia đình và tiền bạc cho biết: “Có một nhận thức về sự khác biệt quyền lực của các cặp vợ chồng là người nào kiếm được nhiều tiền hơn thì có quyền cao hơn. Và người kiếm được ít tiền hơn thường cảm thấy những mong muốn, nhu cầu của họ không quan trọng và không có ý nghĩa gì khi bạn đời có thu nhập cao hơn. Đây là một kịch bản thường gặp dẫn đến mâu thuẫn không đáng có trong quan hệ vợ chồng”.
Tiền bạc đặt ngang hàng với quyền lực, bao gồm quyền có được điều mình muốn, quyền tạo sự ảnh hưởng lên người khác. Hơn nữa, trong hôn nhân, đôi khi người có thu nhập chính trong gia đình cho rằng anh/cô ấy có quyền hạn cao hơn bạn đời. Họ có đặc quyền quyết định mọi thứ liên quan đến gia đình, việc làm của bạn đời và nhiều vấn đề khác; trong khi đó, người có thu nhập ít hơn phải chịu sự chi phối từ họ.
Cách xử lý các vấn đề tránh xung đột
Để xử lý vấn đề chênh lệch thu nhập, đồng thời tránh xung đột vợ chồng thì giao tiếp cởi mở là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn và giải quyết bất cứ khúc mắc nào trong hôn nhân. Nếu bạn cảm thấy có lỗi khi chi tiêu vung tay quá trán, trong khi thu nhập ít hơn bạn đời, hãy nói về vấn đề này.
Nếu cảm thấy bức xúc bạn đời vì cô/anh ấy chi tiêu mạnh tay, hãy nói ra. Nên bắt đầu bất kỳ một cuộc thảo luận nào về tiền bạc với thái độ đầy yêu thương, không có ý kết tội người khác là sai trái. Trong cuộc sống, hai vợ chồng luôn là một đội, vì thế không nên cư xử với nhau như một đối thủ hay một trận chiến, mà hãy giúp đỡ lẫn nhau.
- Xem thêm: Vợ chồng cùng bàn luận tài chính
Một khi giao tiếp được cởi mở, cả hai cần chia sẻ với nhau những nhu cầu. Nếu bạn cảm thấy cần phải có một khoản chi tiêu bằng nhau, hãy chia sẻ điều này cùng bạn đời. Hoặc có thể cần giúp đỡ hay sự động viên từ bạn đời để có thêm thu nhập, bởi vì cô/anh ấy không thể biết bạn cần gì trừ khi bạn giải thích điều đó một cách rõ ràng.
Trường hợp vợ chồng chưa có một ngân quỹ gia đình, cần bắt đầu từ bây giờ. Xác định khoản thu nhập và chi tiêu của bạn, cũng như thu nhập khả dụng thực tế bạn có, sau đó xác định khoản tiền mà mỗi người có thể chi tiêu là bao nhiêu. Cách này không chỉ làm rõ việc chi tiêu tiền bạc mà còn nhận được sự đồng tình về cách chi tiêu của bạn đời.
Khi kết hôn, bạn là thành viên của một đội. Đã là một đội thì cần làm việc cùng nhau, thực hành với nhau, cùng lên kế hoạch, cùng thắng và thua, cùng thưởng công cho nhau để giải tỏa bất cứ vấn đề nào về tài chính có thể phát sinh.