Khi những công ty startup như Brandless tham gia vào lĩnh vực bán lẻ và cung cấp các sản phẩm hữu cơ hay “non-GMO” có chứng nhận với mức giá chỉ khoảng 3 USD, họ đã góp phần chuyển đổi các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ từ mặt hàng cao cấp thành một dạng “nhu yếu phẩm mới”. Sự phát triển của sản phẩm hữu cơ giá bình dân đã mở rộng ra khỏi ngành thực phẩm đến các lĩnh vực “lifestyle” như chăm sóc cá nhân hay sản phẩm dùng cho gia đình.
Hiện nay, các thương hiệu bán lẻ lớn như Amazon, Target và Costco đang tìm cách chiếm thị phần trong “miếng bánh hữu cơ” này bằng cách cạnh tranh để mang lại các sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn và dễ tiếp cận hơn. Động thái này đánh dấu một chiến thắng của người tiêu dùng, đặc biệt là khi người tiêu dùng trẻ ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thuần tự nhiên, sản phẩm hữu cơ và không độc hại.
Ngành mỹ phẩm
Tháng 6 vừa qua, nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora vừa ra mắt Clean – một bộ phận tập trung vào sản phẩm trang điểm, chăm sóc da và chăm tóc tóc không độc hại, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Lý do ra đời của Clean là do nhu cầu của người tiêu dùng. “Qua nghiên cứu và khảo sát, Sephora phát hiện rằng hơn 60% phụ nữ thường đọc nhãn của các loại mỹ phẩm trước khi mua và yếu tố không độc hại là quan trọng đối với họ”, Artemis Patrick, Giám đốc marketing của Sephora nói.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Transparency Market Research, thị trường mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ toàn cầu ước tính sẽ đạt 13,2 tỉ USD trong năm nay và tăng đến hơn 15,6 tỉ USD tính đến năm 2020. Thông tin này khuyến khích các nhà bán lẻ như Target và Nordstrom dành nhiều không gian hơn cho mỹ phẩm thiên nhiên. Walmart cũng đã tung ra dòng mỹ phẩm thiên nhiên có tên gọi là Found. Bộ sưu tập này có hơn 130 sản phẩm từ chăm sóc da cho đến trang điểm với mức giá rất hấp dẫn chỉ từ 2 USD.
Ngành thực phẩm
Đà tăng trưởng khả quan của ngành thực phẩm hữu cơ đã thúc đẩy các thương hiệu lớn tăng cường sự hiện diện của sản phẩm thuần tự nhiên và hữu cơ, kết quả là giá cả cũng trở nên cạnh tranh hơn.
Vào tháng 5-2018, Amazon thông báo rằng những người có thẻ thành viên Prime sẽ được giảm giá thêm 10% cho các sản phẩm của Whole Foods, một động thái đối đầu trực tiếp với Costco, một tên tuổi lớn trong thị trường thực phẩm hữu cơ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Costco kiểm soát chất lượng và đầu ra bằng cách đầu tư trang trại hữu cơ riêng và thậm chí cho nông dân vay tiền để tiếp tục phát triển.
Ngành thời trang
Các thương hiệu thời trang đại trà cao cấp (high-street) bắt đầu đi theo xu hướng xanh khoảng từ năm 2012, khi H&M ra mắt bộ sưu tập Conscious Collection. Zara giới thiệu bộ sưu tập Join Life vào năm 2016 với các sản phẩm bằng cotton hữu cơ hoặc len tái chế có mức giá dễ chịu – những chiếc T-shirt cơ bản với giá 9,90 USD.
Mango cũng không bỏ lỡ xu hướng với dòng sản phẩm Committed ra mắt vào đầu năm 2017. Công ty này cũng đề ra mục tiêu cho đến năm 2022 sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững cho phân nửa sản phẩm cotton của họ. “Quan điểm của người tiêu dùng và nhận thức của họ về sự phát triển bền vững đã thay đổi rất nhanh trong những năm gần đây và ngành thời trang cũng phải thay đổi nhanh như thế”, Daniel López – Phó chủ tịch của Mango nói. Đối tượng chính của dòng thời trang “organic” là những khách hàng trẻ trong độ tuổi từ 17-26.
Khi mà các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên tham gia đa dạng vào các lĩnh vực “lifestyle” với mức giá thấp hơn và sự hiện diện mạnh hơn thì những khách hàng “mong muốn tiêu dùng có ý thức nhưng với ngân sách hợp lý” sẽ là người được lợi.