Chiều 18-8 tại phòng tranh Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đã khai mạc triển lãm nhóm mang tên “Đủ đường” của bảy họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đủ, Phạm Trần Việt Nam, Trương Công Tùng, Nguyễn Anh Thao, Phan Anh, Hà Thúy Anh, Phan Thị Mai Phương.
Cái tên triển lãm của nhóm đã nói lên sự khác biệt về đề tài của các họa sĩ cũng như chất liệu tạo hình của họ. Nguyễn Văn Đủ với loạt tranh sơn dầu và acrylic khổ lớn, vẽ những người đàn ông, đàn bà bụng bự chảng mà theo anh “biểu thị mặt tối của sự phát triển xã hội Việt Nam”; Trương Công Tùng với hai bộ tranh khổ nhỏ vẽ trên gốm mà anh đặt tên là Người bất định và Đất bất định, lấy cảm hứng từ ca khúc Nowhere Man của nhóm The Beatles (John Lennon viết lời), cho thấy sự hoang mang của một lớp người trẻ đang sống giữa một thế giới không ngừng biến động, chịu sự tác động không ngừng của nó khiến họ trở nên vô danh tính, chỉ còn là những hình thù “mờ mờ nhân ảnh” trong một cõi sống cũng vô danh tính. Phan Anh với loạt tranh digital mô tả “những đổi thay về tâm và sinh lý nơi con người với tiếng nói riêng của nó” cùng sự kiếm tìm bản ngã đích thực. Phạm Trần Việt Nam với bộ ba tranh sơn dầu vẽ cảnh… địa ngục. Hà Thúy Anh chỉ đơn giản vẽ những gì cô muốn thấy, không cần biết những gì cô vẽ có ý nghĩa hay không. Nguyễn Anh Thao với bức sơn mài Lò mổ tả thực, nơi “bóng tối không để cho bị bịt mắt”, chính ở đó những ảo vọng đã giúp anh thức tỉnh. Riêng Phan Thị Mai Phương với tác phẩm sắp đặt Khoảng không – một hòn đảo nhỏ giữa biển nước đủ nói lên sự cô đơn vĩnh cửu của kiếp người.
Đề từ cho triển lãm do nhà phê bình Nguyễn Quân viết, lấy tên một tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh: Khi người ta trẻ. Ông viết:
“Thông thường người trẻ có quyền mơ mộng với mênh mông trời biển và sự cô đơn đầy tự do, tự hào: ta là (hòn đảo hay con thuyền…) duy nhất, là đầu tiên, là tất cả… để ngẫm ngợi những kỷ niệm còn mới nguyên mà tưởng đã xa vời. Người trẻ ưa dằn vặt, có vẻ như thái quá. Không phải họ cường điệu mà vì niềm mong đợi về những gì tốt đẹp chốn trần ai quá náo nức và xác tín. Họ muốn thăm dò cả địa ngục xem đau khổ là gì, hình thù nó ra làm sao, tất nhiên phải kinh dị khó ai tưởng tượng ra nổi, trừ “cá nhân tôi là kẻ đang sáng tạo đây”. Đi kèm là nỗi sợ…
Bản năng là cú bật xuất phát, như mũi tên lao đi bất chấp, không có thì giờ để đắn đo, cân nhắc, mưu mô… nên bộc trực, biểu hiện. Xuất phát từ bản năng hay hoang mang về bản năng, bản ngã – cái “tôi là ai” dẫn người trẻ tới những thăm dò tiềm thức rất bất định. Biểu cảm hiện ra ở biểu chất nên các tác giả thách thức, thử nghiệm, “phá cách” rất nhiều ở khía cạnh bố cục, chất liệu, kỹ thuật…
Người trẻ ưa nghĩ ngợi và sầu khổ. Từ phản biện, diễu nhại tới phản kháng, phủ nhận thực tại. Người trẻ cảnh báo và đưa ra các đề nghị thay đổi thế giới xấu xa này. Họ chất vấn mọi thứ và tin câu trả lời của mình đã chạm đáy sự thật… Và họ làm mọi điều đó bằng mọi cách – đủ đường!”.
Triển lãm kéo dài đến ngày 28-8.
- Y Chiêu