Bạn là một người trẻ (8X, 9X) tham vọng, thiết tha với sự nghiệp, tận tâm và cố gắng. Thời gian và công sức bạn đổ vào dự án vừa mang lại thành quả và bạn được thăng tiến lên vị trí quản lý. Bạn cảm nhận được cả sự phấn khích và sợ hãi, dù biết rằng mình có kỹ năng để đảm nhận vai trò mới. Điều bạn lo lắng là học cách quản lý người khác – đặc biệt là những người lớn tuổi hơn.
Những người chuyên nghiệp hiểu rằng một chức danh hoặc một tài năng không quan hệ tới số tuổi và sự tôn trọng đến từ hai phía. Tuổi tác không liên quan đến chất lượng công việc mà một người có thể tạo ra. Tuy vậy, mọi người vẫn có thể cảm thấy không thoải mái khi người trẻ hơn làm sếp họ, đặc biệt nếu họ cảm thấy lẽ ra họ có thể ở một vị trí cao hơn hiện tại, hoặc chính là vị trí bạn vừa được cất nhắc. Vậy, bạn giải quyết tình huống này như thế nào?
Hãy hiểu họ
Đây là kỹ năng mà người quản lý ở độ tuổi nào cũng cần. Hãy cố gắng để có thể hiểu rõ hơn về mỗi nhân viên (đặc biệt khi họ đang hồ nghi người quản lý trẻ hơn họ). Khi vừa bắt đầu với vai trò mới, những cuộc họp đầu tiên là cơ hội tuyệt vời để “phỏng vấn” không chính thức đội nhóm của bạn và tìm hiểu họ ở mức độ cá nhân. Cũng nên trao họ cơ hội để biết về bạn – sự tin tưởng là con đường hai chiều. Hãy là chính bạn một cách đúng nghĩa. Những mối quan hệ thật sự trong công việc được xây dựng qua thời gian và cần chút nỗ lực, nhưng chúng sẽ phát triển một cách tự nhiên nếu được tạo điều kiện.
- Xem thêm: Để là người được nhân viên yêu mến
Tìm hiểu về những động lực có thể khích lệ họ
Một khi đã biết nhiều hơn về nhân viên, bạn có thể hiểu được cách cư xử của họ. Biết được những mục tiêu nghề nghiệp của họ, bạn có thể hỗ trợ họ thành công hơn và giải tỏa sự căng thẳng khi phải làm việc cho một sếp trẻ hơn. Hãy thể hiện rõ là bạn quan tâm đến việc giúp họ tìm những dự án họ thích và giải quyết các thách thức mới một cách hiệu quả.
Hiểu giá trị của kinh nghiệm
Đối xử với các thành viên trong nhóm bằng sự tôn trọng và để họ biết rằng bạn hiểu được giá trị của kinh nghiệm và sự uyên thâm. Đừng ra vẻ bề trên, kẻ cả hoặc hành xử theo kiểu “phải hạ mình”. Những hành động như thế sẽ chỉ làm tổn thương chính bạn. Nếu có cơ hội xin phản hồi của họ về một dự án thì nên làm thế – điều này sẽ xóa đi khoảng cách và cho thấy rằng họ là một phần quan trọng của tập thể.
Tôn trọng truyền thống
Một nhân viên lớn tuổi hơn vừa mang lại thuận lợi nhưng đôi lúc là sự bất lợi vì họ biết nhiều về quy trình, công nghệ, v.v… “Ở đây luôn làm như thế” là câu nói có thể cản trở sự cải tiến. Tuy nhiên, trước khi có bất kỳ sự phán xét nào, nên dành thời gian để lắng nghe người dưới quyền nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Hỏi họ ý kiến phản hồi về quy trình mới mà bạn đề xuất. Nếu có những khía cạnh trong phương pháp hiện tại có lợi cho công việc, hãy xem lời khuyên và kinh nghiệm của họ là điều hữu ích.
Đừng giả định nhân viên lớn tuổi hơn thì biết mọi thứ…
Thời gian làm việc lâu hơn đôi khi dẫn đến ý nghĩ rằng họ có kinh nghiệm dày dạn mà có lẽ bạn không thể sánh bằng, hoặc không còn gì mới để họ có thể học hỏi. Giả định không chính xác này có thể gây khó khăn cho sự phát triển của cả nhân viên và chính bạn trong vai trò quản lý.
- Xem thêm: Khi bạn thành sếp…
Phát triển sự nghiệp (và học tập suốt đời) nên là điều phải làm với bất cứ người chuyên nghiệp nào. Việc của bạn là nuôi dưỡng và cung cấp sự huấn luyện cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đó của nhân viên. Hỏi họ về những gì họ muốn biết, cần biết và hy vọng được biết. Bạn có thể ngạc nhiên với những câu trả lời của họ.
…Nhưng cũng đừng lầm tưởng rằng họ không biết
Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (8X, 9X) lớn lên cùng với công nghệ, một số người thậm chí cho biết họ bị nghiện những dạng công nghệ khác nhau. Với người lớn tuổi hơn, công nghệ xuất hiện trễ hơn trong cuộc đời họ và có lẽ không giữ vai trò trung tâm trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, sự khẳng định này không liên quan đến tất cả. Nếu đang thảo luận một chủ đề mà bạn không chắc rằng nhân viên của bạn có quen thuộc hay không, hãy hỏi họ. Nên cẩn thận để không xúc phạm họ bằng cách có những giả định không công bằng.
Bạn có được sự thăng tiến bởi bạn xứng đáng. Hãy ghi nhớ điều đó; luôn nhất quán trong vai trò lãnh đạo và đừng ngần ngại để hành động với tư cách một người quản trị có năng lực.