Các ông bố bà mẹ hẳn còn nhớ bộ phim Hành trình của Moana được công chiếu vào cuối năm 2016. Câu chuyện về cô gái nhỏ Moana, con gái của vị tù trưởng đáng kính của vùng đảo Motunui.
Bất chấp những cấm đoán, ngăn cản của người cha tù trưởng, được sự trợ giúp và hướng dẫn của bà nội “điên” và sự “đồng lõa” của mẹ, cô gái nhỏ đã vượt qua rặng san hô, “vùng an toàn” của những cư dân nhiều đời trên đảo, dấn thân vào cuộc phiêu lưu dữ dội. Bộ phim vô cùng hấp dẫn với các tình tiết cao trào “thót tim”, hình ảnh đẹp và âm nhạc tuyệt vời, nhưng trên hết là những bài học giáo dục mà bộ phim mang lại có thể khiến cho các bậc phụ huynh suy ngẫm, đặc biệt là những ai đang có những đứa con “không thể ngoan hiền”.
Hành trình tìm kiếm chính mình của Moana
Bộ phim bắt đầu từ buổi kể chuyện của người bà “điên” về truyền thuyết Mẹ Đảo Te Fiti. Trong khi những đứa trẻ khác khóc thét lên hoặc ngủ gục thì Moana mắt mở to tròn xoe như muốn nuốt từng lời của bà. Chuyện về một Á thần tên là Maui đã cướp đi trái tim của Mẹ Đảo và làm sống dậy Teka, ác thần gieo rắc cái chết, hủy hoại mọi sự sống do Mẹ Đảo Te Fiti mang đến, đã khiến cô bé Moana chú tâm hoàn toàn. Đã bao giờ bố mẹ nhìn thấy sự khác biệt của con mình giữa những đứa trẻ khác, khi quan sát cách chúng phản ứng với từng câu chuyện, từng tình huống trong cuộc sống, để “nhận ra” con khi nó còn rất nhỏ?
Để giành lại sự sống của hòn đảo và dân cư yêu quý của mình, Moana phải tìm được vị Á thần Maui, đối mặt với quỷ dữ nham thạch Teka, trả lại trái tim cho Mẹ Đảo Te Fiti, vị thần mang đến sự trù phú, sinh sôi cho vạn vật xung quanh bà. Trong hành trình ấy, có những lúc cô gái đã không còn tin vào chính bản thân mình khi chính người bạn thân nhất, Á thần Maui cũng quay lưng đi. Moana đã khóc giữa biển khơi và xin đại dương chọn người khác. “Con không làm được”, Moana đã nói. Nhưng khi mái chèo chạm nước trên đường về nhà, người bà điên của cô gái xuất hiện, và hỏi: “Con biết con là ai không?”.
Khi Moana nhớ lại rằng mình là ai và vì điều gì mà mình đến đây, cô bé đã trở lại với hành trình. Chỉ khi bạn biết rõ mình là ai, bạn mới đủ dũng cảm vượt qua những trở ngại lớn của cuộc đời để nói một cách dũng mãnh rằng: tôi là Moana đến từ đảo Motunui. Moana “không thể ngoan hiền”, dù đã từng nói rằng “Tôi ước tôi có thể ngoan hiền”; cô bé đã ngồi xuống vá những vết rách của chiếc thuyền tơi tả, dũng cảm đối mặt với Teka. Cô quyết mang trả trái tim cho Mẹ Đảo mà không hề biết Teka, hung thần biển cả chính là Mẹ Đảo. Teka chính là phiên bản Mẹ Đảo khi bị lấy mất trái tim.
You know who you are, chính là lời hát mà Moana đã hát trước Teka, để nhắc nhớ về Mẹ Đảo, một bản thể trọn vẹn thương yêu của Teka. Nhờ lời hát ấy, những gai góc dữ dội của Teka đã rũ xuống, những vết thương đã liền da, và Moana có thể trả lại trái tim ở lồng ngực đang tổn thương của bà. Sự sống và hương thơm đã trở lại trên vùng đất ấy, vùng đất có Moana. Các ông bố bà mẹ có thể tìm thấy những thông điệp giáo dục trong bộ phim này để chia sẻ với con cái của mình, và đặc biệt là với những đứa con “không thể ngoan hiền”.
1. Không có lối nào cháu đi mà không có bà cả: Người bà “điên” đã nói với Moana như thế, khi khuyên cô bé dũng cảm ra đi. Giúp cháu nhận ra sứ mệnh của mình, lời bà dặn trong lúc hấp hối đã đưa cô bé thoát khỏi sự canh chừng khắt khe của bố, bắt đầu hành trình của chính mình. Thật may mắn cho con cái chúng ta nếu có một người bà “điên” trong gia đình, người nhìn thấy tố chất đặc biệt của con cháu mình và thúc đẩy, khơi gợi nó. Nếu nói rằng người lớn cần “hỗ trợ” trẻ trong hành trình trưởng thành của trẻ, thì sự hỗ trợ tinh thần này chính là ánh sáng của trẻ. Tình thương nếu đi kèm với sự thấu hiểu thông thái, thì đó mới là tình thương cứu cánh.
2. Che giấu nỗi sợ hãi của mình không phải là cách giải quyết vấn đề. Người cha tù trưởng của Moana, vì sợ hãi những hiểm nguy của biển cả và ám ảnh bởi cái chết của người bạn thân của mình khi dấn thân ra biển, đã che giấu những vết tích du hành của bộ tộc bằng cách giấu toàn bộ thuyền du hành trong hang, quên đi quá khứ của cả bộ tộc đi biển. Nhưng điều đó không giải quyết được mối hiểm nguy mà ông và dân làng phải đối mặt: những tôm cá và cây trái không còn nữa. Để cho nỗi sợ lấn át mình, quên mình là ai và không dám dấn thân chính là những trở ngại quen thuộc mà người lớn thường gặp phải. Với thói quen lựa chọn sự an toàn, chúng ta thường che giấu và quên đi những giá trị cốt lõi.
- Xem thêm: 6 bí quyết để nuôi dạy trẻ ngoan
3. Kẻ sai lầm trong quá khứ không phải là kẻ bị “vứt đi”: Maui – Á thần thủ phạm, người đã lấy mất trái tim của Mẹ Đảo, chính là người được tìm kiếm để sửa chữa điều đó. Tính nhân văn của bộ phim được thể hiện rõ nét nhất ở đường dây này. Bất chấp sự tính toán ích kỷ, nông cạn và có tính tàn nhẫn của Maui, cô bé dũng cảm và quyết liệt Moana đã khơi gợi những đức tính tốt đẹp nơi người bạn đường của mình. Cô bé đã khôi phục và trả lại một Maui tràn đầy tự tin và niềm vui nhờ tình thương của mình.
4. Tố chất của “người được lựa chọn” – dũng cảm và giàu tình thương: Chỉ có những kẻ dũng cảm mới dám dấn thân vào vùng đen tối và dữ dội nhất của con người để cứu họ. Đi cùng với nó phải có tình thương rộng lớn. Khi không có nó, đừng đòi cứu ai cả, bạn chỉ gây hại cho mình mà thôi. Với sự dũng cảm và tình thương to lớn của mình, Moana mới vượt qua nỗi sợ và nhìn thấy được Mẹ Đảo trong hình hài của Teka.
Chỉ có những người dũng cảm và tràn đầy tình thương mới có thể chữa lành những tổn thương của người khác. Đại dương đã chọn Moana vì cô bé nhỏ xíu mới chập chững biết đi đó đã bẻ một chiếc lá để che cho chú rùa đang chống chọi với lũ chim dữ, thay vì bắt lấy vỏ ốc sặc sỡ đủ màu đang ở ngay trước mắt. “Người được lựa chọn” làm những điều quan trọng, thường là những người biết bỏ đi cái lợi trước mắt của chính mình.
5. Tinh thần chiến đấu: Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc, dù bạn đang ở biển khơi sóng lớn, chỉ có một mình và tuyệt vọng. Có những người sinh ra cho một sứ mệnh, nếu nhận ra rồi thì hãy dũng cảm chấp nhận trong dũng cảm. Cô bé Moana có thể quay về, đặt viên đá mới lên trên chồng đá của những người tù trưởng, đánh dấu việc chính thức nhận nhiệm vụ của cha mình giao lại, và từ chối “tiếng nói bên trong”, tiếng nói của đại dương thôi thúc. Nhưng khi biết rõ mình là ai, cô bé đã trở lại và chiến đấu không sợ hãi, hết lần này tới lần khác để đến được mục tiêu của mình.
6. Cần có những người bạn chân thành để nhắc bạn nhớ bạn là ai. Trong đêm ở giữa biển khơi khi Maui không thể biến hình được như cũ, cô bé Moana đã nhắc cho Maui biết vị Á thần này là ai. Người bị Maui chối bỏ, với nỗi đau của một đứa trẻ bị chính bố mẹ và dân làng bỏ rơi, đã được nhắc để chấp nhận và yêu thương chính mình, đã tìm lại trọn vẹn sức mạnh và ánh sáng. Maui đã làm chủ được chiếc móc câu của mình, trở lại là chính anh. Cần có những người bạn chân thành và thấu hiểu để giúp mình những khi lạc lối. Bố mẹ hãy giúp con, cổ vũ con có được những người bạn quý bên cạnh mình.
7. Khi bị mất trái tim, thánh thần cũng trở thành quỷ dữ. Hãy gìn giữ tình thương của mình như báu vật, bởi những tổn thương do người khác gây ra có thể khiến cho chúng ta trở thành một con người khác, có thể khiến cho bóng tối che khuất ánh sáng trong lòng chúng ta, có thể biến Mẹ Đảo vĩ đại thành quỷ dữ Teka. Hãy gìn giữ tình thương của mình và luôn gắng nhớ mình là ai, gắng nhớ “gốc thiện”. Càng bám vào “gốc thiện”, cành tránh được những “nhánh ác”.
8. Hãy tin vào con cái của mình. Bố mẹ cố gắng đừng cản đường chúng cho đến khi bạn đã hiểu rõ về chúng, kể cả khi sứ mệnh của chúng lớn hơn bạn. Có thể người cha của Moana không nhận ra rằng sự che chở quá mức của ông đã ngăn cản con gái mình hoàn thành sứ mệnh của nó. Hãy cho con một tình thương kèm theo niềm tin.
Trong kỷ nguyên số, những bài học này dường như còn mới nguyên. Nếu con bạn là Moana – Không thể ngoan hiền, hãy một lần ngồi xuống hỏi con: Bố – mẹ có thể giúp gì cho con không? Hãy lắng nghe con.