Theo một nghiên cứu công bố ngày 31-10, đầu thế kỷ XX bùng nổ dầu lửa lưu vực Los Angeles đã kéo theo liên tiếp bốn trận động đất kinh hoàng. Các nhà khoa học tin chắc rằng việc khai thác dầu khí đóng vai chính trong thảm họa Inglewood 1920, Whittier 1929, Santa Monica 1930 và Long Beach 1933.
Theo Susan Hough và Morgan Page, những chuyên gia Viện địa vật lý Mỹ (USGS), chỉ ít lâu sau khai thác dầu khí ở đó thì xảy ra động đất. Cường độ chấn động ở Long Beach tới 6,4 độ Richter, làm chết 120 người, gây thiệt hại 50 triệu USD (thời điểm thập niên 1930).
Những quan sát này khiến các nhà khoa học phải xem xét lại dự đoán động đất ở lưu vực Los Angeles cũng như tăng hiểu biết về tác động khai thác dầu khí với cơ chế kích hoạt động đất các nơi khác ở Mỹ. Sau năm 1935, các nghiên cứu không phát hiện thấy dấu hiệu động đất gắn liền với hoạt động của con người. Tuy vậy, nhà địa chấn học David Jackson khuyến cáo không nên so sánh động đất ở California thời trước với động đất thời nay. Hiện tại, các công ty khoan sâu gấp mười lần thời trước – hơn nghìn mét, tiếp cận với các phay địa chất hoạt động kiến tạo, lại dùng nhiều nước để khai thác đá phiến chứa dầu.
Năm 2015, bang Oklahoma ghi nhận gần 1.000 trận động đất với biên độ lớn nhất là 3 độ Richter, so với mức trung bình 2 trận động đất/năm, từ 1978 đến 2008. Tháng 9-2016, bang miền Nam này ghi nhận trận động đất mạnh chưa từng thấy – 5,8 độ Richter. Giáo sư David Jackson cảnh báo, bất kể thế nào cũng phải thấy nguy cơ khai thác dầu khí, nhất là cắt phá bằng thủy lực, có thể gây ra động đất.
Lê Lành theo Los Angeles Times (DNSGCT)