Hầu hết các doanh nghiệp lớn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã báo cáo về thưởng Tết Ất Mùi. Trong ngành ngân hàng, có tới 32 ngân hàng thương mại có mức thưởng từ một đến hai tháng lương, chỉ những đơn vị, chi nhánh có thua lỗ hoặc phát sinh nhiều nợ quá hạn mới không có thưởng.
Đa số tập đoàn nhà nước chi mức thưởng trung bình từ 10 đến hơn 20 triệu đồng/người, trong khi tại các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp phi quốc doanh, người lao động chỉ được thưởng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Mặc dù bị đánh giá là cần phải nhanh chóng đổi mới, thoát khỏi sự trì trệ kéo dài nhưng Tổng công ty Đường sắt với gần 40 ngàn lao động đã lên phương án thưởng Tết Ất Mùi khá cao, những trường hợp nhận trên 10 triệu đồng là không hiếm. Lãnh đạo tổng công ty này lý giải rằng về thực chất, đó là “khoản lương chưa nhận đủ trong năm của cán bộ công nhân viên” vì trong năm, tổng công ty mới chi trả khoảng 85 – 95% mức thu nhập cho người lao động. Ngoài phần lương dôi dư trên, một phần của khoản lợi nhuận 180 tỉ đồng trong năm 2014 cũng sẽ được trích để thưởng tết cho cán bộ công nhân viên.
Tổng công ty Đầu tư xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) – một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành giao thông vận tải dự kiến mức thưởng tết năm nay bằng năm ngoái, mỗi người lao động được thưởng hai tháng thu nhập trung bình của năm, khoảng hơn 20 triệu đồng. Tổng công ty Cienco 1 cũng dự kiến mức thưởng trung bình tại cơ quan tổng công ty là 14,5 triệu đồng/người, còn Tổng công ty Thăng Long thưởng ba tháng lương.
Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết tiền thưởng tết các năm thường bằng một tháng thu nhập. Năm nay, mức thưởng tết thấp nhất của các công ty thuộc tập đoàn này là 1,5 tháng lương, riêng các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như Tổng công ty Việt Tiến, Công ty Việt Thắng thì mức thưởng tết là hai hoặc ba tháng lương (khoảng 20 triệu đồng/người).
Tập đoàn Điện lực theo truyền thống không thưởng nhiều cho người lao động vào dịp tết nên theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong những ngày tới, người lao động chỉ được lĩnh “đôi ba triệu đồng gọi là hỗ trợ ăn tết”.
Nếu tại Tập đoàn Dầu khí (PVN), mức thưởng tết năm nay dự kiến khoảng 1,5 tháng lương (tương đương mức bình quân khoảng 22 triệu đồng/người) thì ở Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến không có thưởng tết vì tỷ lệ lợi nhuận đạt thấp, kinh doanh xăng dầu bị lỗ.
Ngược lại, Tập đoàn Hàng hải (Vinalines), dù bị lỗ nặng trong năm 2014 (khoảng 1.625 tỉ đồng) nhưng vẫn có mức thưởng tết không xoàng, trung bình 10 triệu đồng mỗi/người, chưa kể khoản thưởng nhân dịp Tết Dương lịch là 5 triệu đồng/người.
Trong số 900 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh gửi báo cáo kế hoạch thưởng tết năm 2015, có 139 doanh nghiệp (chiếm 15,44%) thừa nhận gặp khó khăn trong việc chi thưởng tết. Ở nhóm doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, kỷ lục thưởng tết năm nay là 303,5 triệu đồng, còn tại Hà Nội là 85,6 triệu đồng.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)