Một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có thể giúp phương Tây rút ra các bài học trong cuộc chiến chống virus mới, ít ra là vào lúc này. Thực tế cho thấy số ca tử vong so với số ca nhiễm tại châu Á thấp hơn phương Tây nhiều. Tốc độ chết cũng chậm hơn. Dân số Đông Á và Đông Nam Á cộng lại vượt xa phương Tây, nhưng hậu quả ít nghiêm trọng hơn.
Khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, các nước phương Tây mới bắt đầu áp dụng những biện pháp cứng rắn, thậm chí gây sốc như “ai ở nhà nấy”. Nhưng theo nhiều nhà quan sát dịch bệnh, các động thái này đã trễ khi virus lây lan trong cộng đồng trên diện rộng với số trường hợp bệnh không biểu lộ triệu chứng rất cao chưa bị cách ly.
Ngược lại, khi các quốc gia châu Á vừa bị virus tấn công, họ đã nhanh chóng khoanh vùng dập dịch và ngăn chặn quyết liệt. Việt Nam, Singapore, Hong Kong, Đài Loan có số lây lan tương đối thấp cho dù nằm gần tâm dịch đầu tiên Trung Quốc. Dịch chỉ tái phát tán bởi những người mang virus từ châu Âu về. Rõ ràng, phương Tây với nền y học hiện đại đã lộ ra những lỗ hổng và sự yếu kém trong việc chuẩn bị đương đầu với một dịch bệnh mới. Vậy, có gì khác biệt trong cuộc chiến chống coronavirus tại châu Á và phương Tây và những bài hoc cần rút ra?
Bài học thứ nhất: Hãy nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc và hành động thật nhanh
Các chuyên viên sức khoẻ đều đồng ý về các biện pháp căn bản từ lúc Covid-19 bộc phát: xét nghiệm trên diện rộng, cách ly những người đã dương tính và khuyến khích không tiếp xúc cự ly gần dưới 2 mét khi ra bên ngoài. Các biện pháp này cũng đang được các nước phương Tây áp dụng với quy mô và độ trễ khác nhau nhưng lại không đủ nhanh như các nước châu Á. “Cả Anh và Mỹ đều bỏ mất cơ hội, bỏ qua thời gian vàng cứu sống nhiều người – Tikki Pangestu, cựu giám đốc nghiên cứu chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói – Họ có đến 2 tháng để chuẩn bị khi Trung Quốc công bố dịch bệnh mới tại thành phố Vũ Hán với WHO vào ngày 31.12.
Tiếc thay, nhiều người phương Tây lại có lối suy nghĩ thiển cận trong thời đại toàn cầu hoá và du lịch phát triển: “Dịch bệnh ở rất xa và sẽ không xảy ra tại đất nước tôi. Đây là vấn đề riêng của Trung Quốc”. Suy nghĩ sai lầm này dẫn đến sự “thong dong tự tại” và chuẩn bị kém. Ngược lại, dù đến ngày 31.12, Trung Quốc vẫn khẳng định “virus mới không truyền từ người sang người” và các hiểu biết về coronavirus còn rất ít nhưng chỉ trong 3 ngày, Singapore, Đài Loan và Hong Kong đã đẩy nhanh hoạt động sàng lọc tại các cửa khẩu, phi trường.
- Xem thêm: Chuyện bên lề về dịch Covid-19
Thậm chí Đài Loan kiểm tra thân nhiệt của hành khách từ Vũ Hán về trước khi ra lệnh ngưng bay. Khi các nhà khoa học biết là coronavirus có thể lây từ người sang người, ngay cả lúc chưa phát triệu chứng ho, sốt, khó thở, xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ F1, F2, F3 đã trở thành “yêu cầu quan trọng” tại nhiều nước châu Á, thay vì chỉ dựa vào triệu chứng phát ra ngoài.
Bài học thứ 2: Xét nghiệm trên diện rộng và trên tất cả các đội tượng nghi ngờ
Đối với virus “ma”, chạy đua với thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng. Xét nghiệm chậm cũng nguy hiểm như giấu dịch. Khi dịch coronavirus xảy ra, số ca có triệu chứng tại Hàn Quốc tăng nhanh dẫn đến việc chính phủ quyết định xét nghiệm trên diện rộng những người có nguy cơ, khoanh vùng cách ly khu vực và cộng đồng nghi nhiễm. Hiện nay Hàn Quốc đã xét nghiệm đươc hơn 290.000 người với tần suất 10.000 ca mỗi ngày.
“Tốc độ tầm soát người bệnh tăng nhanh đáng nể – giáo sư Ooi Eng Eong, chuyên viên về các bệnh nhiễm mới tại Đại học quốc gia Singapore (NUS), nói. Hàn Quốc có hệ thống xét nghiệm bệnh nhiễm hoàn hảo được xây dựng sau đợt dịch hô hấp cấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome) năm 2015 làm chết 35 người. Trong khi đó, việc xét nghiệm virus tại Mỹ không hề được chuẩn bị và bị đánh giá là “thất thủ” khi virus bắt đầu tổng tấn công.
Nhiều bộ xét nghiệm bị lỗi và các phòng xét nghiệm tư nhân gặp trở ngại khi xin giấy phép hoạt động. Ai muốn xét nghiệm sớm phải trải trả số tiền lớn cả ngàn USD. Nay, việc xét nghiệm miễn phí đã được đưa vào luật, nhưng không dễ đến với số đông. Trong khi đó, nước Anh chỉ xét nghiệm trong bệnh viện những người đã có triệu chứng nên khó lòng nhận biết những ca dương tính có triệu chứng nhẹ đang đi lại tự do ngoài xã hội.
Giáo sư Pangestu thừa nhận tại một số quốc gia không có đủ bộ xét nghiệm virus dù xét nghiệm tầm soát trên diện rông là “ưu tiên số 1”. “Tìm ra những người chưa xuất hiện triệu chứng và nhẹ chưa cần nhập viện nhưng đã là nguồn lây còn quan trọng hơn nữa” – ông nói.
Bài học thứ 3: nhiều người trẻ phương Tây tin rằng họ miễn nhiễm từ virus
Nếu mắc cũng chỉ nhẹ và sẽ tự khỏi nên họ cứ thoải mái giao tiếp xã hội, đàn đúm bạn bè mà không cần mang khẩu trang. Thậm chí có người xem quy định mang khẩu trang nơi công cộng và cách ly là… xâm phạm quyền tự do cá nhân! Thống kê cho thấy tuổi bình quân tử vong tại Ý là 78,5; tại Trung Quốc, tỉ lệ người trên 80 chết vì virus là 15% trong khi dưới 50 tuổi chỉ 1% càng khiến giới trẻ an tâm. Nhưng mới đây WHO cảnh báo quan niệm này là “sai lầm” vì người trẻ có thể không chết vì virus nhưng ông bà và cha mẹ họ sẽ chết nếu họ mang virus về nhà.
Nước Ý có 28% dân số già, đứng hạng nhì thế giới, chỉ sau Nhật Bản (33%) là minh chứng rõ nét nhất cho cảnh báo này. “Đây là lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Cách chọn tiếp xúc tự do của người trẻ đã cướp đi cơ hội sống của người già” – Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Ông cũng cảnh báo: “Dù người già dễ bị nhiễm hơn và dễ chết hơn, nhưng người trẻ không hề được miễn trừ. Họ cũng tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế và xã hội nếu phải nhập viện, chiếm giường bệnh lẽ ra nên dùng cho người già yếu. Thông điệp của tôi là: các bạn trẻ không phải là vô hình. Virus có thể đưa bạn vào bệnh viện bất cứ lúc nào và lấy đi mạng sống của bạn”.
Nhìn về Vũ Hán không có thêm ca bệnh địa phương nào, ông nói thêm: “Đây là niềm hy vọng cho thế giới vì ngay tâm dịch nghiêm trọng nhất cũng đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ít ra là vào thời điểm này”. Một cuộc khảo sát cho thấy có từ 90-95% người dân châu Á mang khẩu trang ngoài đường lúc đỉnh dịch trong khi tại phương Tây con số này là 5-15%, đa số thuộc các cộng đồng thiểu số! Chiến thuật “Miễn dịch cộng đồng” để lây lan tự do và chỉ ưu tiên chữa những người trở nặng của một số nước châu Âu đã phá sản vì bệnh viện không đủ chỗ chứa số ca dương tính trở nặng quá đông.