Kể từ khi phương Tây đạt được một thỏa thuận bước ngoặt với Iran hồi cuối năm 2013 về chương trình hạt nhân từng gây tranh cãi của nước này, nhiều người dân Iran hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ chấm dứt, trong khi các công ty phương Tây cũng đang chuẩn bị cho những thương vụ kinh doanh lớn tại Iran. Với tốc độ tăng trưởng âm, nền kinh tế Iran đang lâm vào tình trạng suy thoái. Từ ba năm qua, hầu như không có một giao dịch ngân hàng nào giữa Iran và thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, nguồn thu từ việc bán dầu mỏ và khí đốt cũng giảm mạnh. Chỉ có Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu của Iran, nhưng thay vì trả bằng ngoại tệ mạnh thì họ chỉ chuyển tới máy ủi đất và máy móc xây dựng.
Tỷ lệ lạm phát ở mức gần 36%, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn. Giá lương thực đã tăng tới 55%, giá xăng tăng lên gấp bội còn giá sữa và phô-mai cũng cao gấp ba lần so với cách đây hai năm.
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ đã thất thu ngân sách khoảng 65%. Thiếu hụt tiền tệ cũng làm cho đồng rial của Iran mất giá trầm trọng, vào khoảng 80% (năm 2012).
Có thể nói lệnh cấm vận của phương Tây đã góp phần làm tê liệt nền kinh tế Iran. Nhưng Mohammed Hossein Rafi là một trong số những người Iran không tin vào điều này. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt trên thực tế chỉ khiến cho đất nước kiêu hãnh của ông mạnh mẽ hơn.
Ông Hassan Rouhani tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, tháng 1-2014
Rafi là một trong số những người bảo thủ của đất nước, những người theo đường lối cứng rắn, trung thành với giáo chủ Khomeini. Rafi từng hoạt động chống lại vua Iran trong những năm 1970, sau đó chiến đấu trong cuộc chiến Iraq – Iran và rồi có sự nghiệp lâu dài trong một cơ quan tình báo. Hiện nay ông được cho là đang làm việc tại một viện nghiên cứu cho các tiêu chuẩn Hồi giáo, cơ quan này muốn thiết lập một tiêu chuẩn công nghiệp tương tự Viện nghiên cứu tiêu chuẩn hóa của Đức.
Rafi nói rằng với áp lực của quốc tế, Iran đã phát triển trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu. Nước này thậm chí đã phát hiện một loại thuốc chữa bệnh AIDS hiệu quả sẽ sớm được giới thiệu cho thế giới.
Tổng thống mới của Iran, ông Hassan Rouhani, người mà phương Tây hy vọng có đủ sức mạnh để bắt đầu thực hiện cải cách, cần phải đưa những người như Rafi vào nước Ba Tư mới của ông. Quả thật, Rouhani đã nói rằng “sẽ không có thêm cuộc cách mạng nào nữa” mà thay vào đó là “một quá trình chuyển đổi” theo đó các cựu chiến binh sẽ được hưởng lợi từ các thỏa thuận kinh doanh trong tương lai.
Rouhani cần những câu chuyện thành công về kinh tế. Ông phải gạt sang một bên các biện pháp trừng phạt, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải hành động nhanh hơn lạm phát đang gặm nhấm dần thu nhập vốn đã quá ít ỏi của hàng triệu người dân. Mức lương tối thiểu của nước này hiện chỉở mức tương đương 190 USD/tháng.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia trong lễ nhậm chức ngày 3-8-2013, tân Tổng thống Iran cho biết, nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ mới là tạo dựng can dự tích cực với thế giới, khôi phục phát triển kinh tế. Và chính phủ sẽ thực hiện những bước đi cơ bản nhằm nâng cao vị thế của Iran dựa trên quan điểm lợi ích quốc gia.
Theo đó, tân Tổng thống Rouhani đã bổ nhiệm Nahavandian, 58 tuổi, một nhà kinh doanh được đào tạo tại Đại học Geogre Washington, làm cố vấn cấp cao. Đây là quyết định bổ nhiệm nhân sự đầu tiên có hàm ý sâu rộng và là thông điệp của tân tổng thống về cả đối nội và đối ngoại.
Dây chuyền sản xuất xe hơi Khodro với phụ tùng của Peugeot
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, ông Rouhani sẽ phải đối phó với những thách thức không nhỏ với một nền kinh tế đang suy sụp và những hậu quả tiêu cực từ chính sách hạt nhân gây tranh cãi. Tổng thống mới có thể hy vọng cải thiện khả năng quản lý, nhưng theo các chuyên gia, điều cấp bách hơn là phải tìm ra giải pháp chấm dứt các lệnh trừng phạt của quốc tế, trước tiên là tái xuất khẩu dầu mỏ.
Tình hình Iran đã trở nên tươi sáng hơn kể từ ngày 24-11-2013. Đây chính là ngày năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức và Iran ký kết một thỏa thuận tại Geneva với mục tiêu thay đổi hoàn toàn tình hình trong sáu tháng kế tiếp, tức vào tháng 4-2014. Theo đó Iran sẽ giảm mức độ hoạt động một số cơ sở hạt nhân của mình và đổi lại phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thỏa thuận này được xem là “cơ hội thế kỷ” mà giới kinh doanh trong và ngoài Iran chờ đợi, cho dù cơ hội ấy vẫn có thể bị lãng phí, giống như hồi năm 2005, khi mà Iran chỉ mới có một vài máy ly tâm để làm giàu urani và các nhà đàm phán đã gần đạt được một thỏa thuận mà đáng ra sẽ ngừng chương trình hạt nhân của nước này ở mức độ đó. Thế nhưng vào lúc ấy các cuộc đàm phán đã bị ngưng lại và tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Georges W. Bush đã từ chối ký thỏa thuận.
Chín năm sau, tức vào thời điểm hiện nay, Iran sở hữu tới 19.000 máy ly tâm. Vậy tại sao người ta lại đạt được thỏa thuận? Có lẽ bởi vì lần này cả hai phía đều thể hiện sự nhượng bộ. Phía Mỹ đã loại bỏ yêu cầu tiên quyết rằng Iran phải từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Về phía Iran, những đe dọa chiến tranh từ Israel và đặc biệt là các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của quốc tế đã buộc nước này phải nghiêm túc quay lại bàn đàm phán.
Giờ đây, có vẻ như các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ đem lại sự tiến bộ về kinh tế tại Iran. Cho dù vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào được dỡ bỏ, rất nhiều doanh nhân phương Tây hiện đã đổ xô tới Teheran.
Iran có trữ lượng dầu mỏ được đánh giá là lớn thứ tư và trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới. Các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỉ euro có thể sẽ được thực hiện tại đây trong thời gian tới.
Dầu mỏ là nguồn thu hút đầu tư lớn của Iran
Có một câu chuyện minh họa khá hoàn hảo tình hình hiện nay tại Iran, đó là không một quan chức cấp cao nào của châu Âu tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống Rouhani hôm 4-8-2013, nhưng ngay hôm sau, chính phủ Ý đã cử một đặc phái viên cấp cao trực tiếp tới chúc mừng nhà lãnh đạo mới của Iran.
Còn hiện nay thì các máy bay đến từ châu Âu đã tràn ngập người Ý, trong đó có cả các giám đốc của tập đoàn năng lượng Eni danh tiếng của nước này.
Pháp cũng ráo riết bắt tay vào hành động. Trong một thỏa thuận trị giá lên đến hàng tỉ euro, người Pháp đang chuẩn bị ký lại một hợp đồng cho phép cung cấp các thiết bị của hãng Peugeot cho nhà sản xuất xe hơi Khodro của Iran.
Và người Mỹ cũng có mặt tại đây với Exxon Mobil, Chevron Corporation và nhiều công ty khác. Họ chịu trách nhiệm cho việc nâng cấp các cơ sở khai thác dầu cũ và ngành công nghiệp lọc dầu cũng như thăm dò các mỏ dầu mới. Đó là một thương vụ kinh doanh lớn trị giá nhiều tỉ euro.
Viết Đỉnh theo tạp chí Der Spiegel (Đức) và Reuters