Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần qua cho biết sẽ trì hoãn bước tiến bổ sung đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào rổ tiền tệ tiêu chuẩn của họ, sớm nhất phải đến tháng 9-2016, sau khi báo cáo mới nhất cho thấy biểu hiện kém ổn định của NDT không đạt được chuẩn mực chung của hệ thống tài chính quốc tế. Bản báo cáo này cũng được xem là câu trả lời chính thức từ phương Tây sau hàng loạt những áp lực từ Bắc Kinh nhằm vận động cho việc bổ sung NDT vào rổ tiền tệ đặc quyền của IMF (hiện bao gồm USD, bảng Anh, euro và yen Nhật), hướng tới mục đích lâu dài của Trung Quốc là giảm thiểu sự lệ thuộc vào đồng USD. Thoạt tiên, hội đồng cấp cao thuộc IMF được kỳ vọng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 11 tới về việc quốc tế hóa đồng NDT, tuy nhiên sau cùng giới làm luật thuộc tổ chức này khẳng định họ cần nhiều thông tin hơn. Theo giới chức cấp cao giấu tên của IMF, việc trì hoãn sự thay đổi trong rổ tiền tệ thế giới đến tháng 9-2016 sẽ giúp tránh khỏi những biến động tiêu cực tại các thị trường tài chính lẫn thương mại thế giới vào những ngày đầu năm mới 2016, cũng như giới quản lý tài sản dự trữ quốc gia ở các nước cũng cần được thông báo trước sáu tháng để điều chỉnh sự thay đổi. Đồng NDT đạt được những yêu cầu về đồng tiền mạnh trong thương mại quốc tế nhưng lại bị đánh giá là ít được sử dụng rộng rãi trong hệ thống thanh toán quốc tế và chưa sẵn sàng mua bán tại các thị trường hối đoái toàn cầu. Nhìn chung, sự hiện diện của NDT trong trao đổi mậu dịch được thực hiện chủ yếu tại các quốc gia láng giềng với Trung Quốc như Việt Nam, Lào, Mông Cổ và một số quốc gia Trung Á, nhưng hoàn toàn “mất tích” tại Bắc Mỹ và không được sử dụng rộng rãi như một đồng tiền vay mượn trên toàn cầu. Mặc dù IMF không có một bản tiêu chuẩn thống nhất nào để xét liệu NDT có đạt tiêu chí của một đồng tiền quốc tế hay không, nhưng rõ ràng một đồng tiền mạnh nhất thiết phải được người tiêu dùng trên thế giới sử dụng trực tiếp và có thể bán ra một cách tức thì, dễ dàng, điều mà đến thời điểm này NDT không đạt được.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc IMF trì hoãn là do họ muốn chờ xem sự chấp nhận của thị trường đối với NDT trước khi ra quyết định sau cùng, trong khi nhiều nhà kinh tế cho rằng yếu tố chuẩn bị kỹ thuật chứng tỏ sớm muộn gì IMF cũng sẽ cho NDT vào rổ tiền tệ, bởi chính Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde từng cho rằng việc NDT lọt vào danh sách tiền tệ mạnh chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi các thành viên châu Âu trong khối G7 bao gồm Đức, Anh, Pháp và Ý tỏ thiện chí với NDT thì Nhật và Mỹ tỏ ra cẩn trọng hơn rất nhiều, đặc biệt kể từ sau việc Bắc Kinh thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á vốn được xem là đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Washington dẫn đầu và Ngân hàng Phát triển châu Á do Tokyo chủ xướng.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)