Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đầu tuần qua đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu vì tin rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng từ đây đến hết năm 2018. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ 3,6% trong năm nay và 3,7% trong năm 2018. Trong cuộc họp cùng Ngân hàng Thế giới, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại IMF, Maurice Obstfeld, khẳng định bức tranh kinh tế trong giai đoạn 2017-2018 tại các nước rất khác với những gì xảy ra trong năm 2016 và thậm chí là ba tháng đầu năm nay – khi thế giới đối diện với sự tăng trưởng chậm và nhiều biến động trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, IMF vẫn kêu gọi thế giới nên thận trọng với dấu hiệu tăng trưởng không hoàn toàn ổn định tại các nước giàu cũng như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng tại đây. Ngoài ra, giá xăng dầu thấp cùng với bối cảnh bạo lực và biến chuyển phức tạp tại Trung Đông và Mỹ Latinh tiếp tục đe dọa tăng trưởng toàn cầu nói chung, khiến cho khoảng 20% số quốc gia trên thế giới vẫn có thu nhập đầu người giảm sút. IMF cảnh báo chính phủ các nước nên có chiến lược nhằm xóa đói giảm nghèo về dài hạn.
Theo báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới phát hành trong cuộc họp này, IMF dự báo các nước giàu sẽ tăng trưởng 2,2% trong 2017, cao hơn 0,2% mức dự báo đưa ra hồi tháng 7, trước khi giảm còn 2,0% trong 2018. Nhóm các nước mới nổi và đang phát triển, tốc độ tăng trưởng có phần mạnh mẽ hơn (4,6%). Mậu dịch và xuất khẩu gia tăng tại khu vực Eurozone, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế tại đây lên 2,1% trong năm nay, cao hơn con số 1,8% vào năm ngoái. Riêng tại Anh, theo sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, GDP dự báo tiếp tục giảm trong năm nay, dừng ở mức 1,5% trong năm 2018. Kinh tế Mỹ dự báo tiếp tục đi lên trong những tháng còn lại của 2017 với 2,3% và giảm còn 2,0% trong năm tiếp theo. IMF dự báo kinh tế Nga sẽ tăng mạnh 0,25% lên 1,8% trong thời gian tới, đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của kinh tế nước này sau hơn hai năm đình trệ, nhờ vào tình hình giá dầu biến chuyển tốt và niềm tin trên thị trường được cải thiện. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc dự báo tiếp tục nâng cao mức đầu tư của chính phủ và đẩy mạnh nhiều chính sách tăng trưởng kinh tế, do đó GDP trong năm 2017 và 2018 lần lượt sẽ đạt 6,8% và 6,5%.
Ngoài ra, Obstfeld cũng kêu gọi các nước đang có tỷ lệ thất nghiệp thấp nên hối thúc việc thanh toán nợ công, những quốc gia có thặng dư ngân sách nên chi tiêu nhiều hơn vào giáo dục và cơ sở hạ tầng. Ngân hàng trung ương cũng nên cân nhắc việc tăng lãi suất một cách chậm chạp, còn các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo nghề cho người dân nhằm tiếp tục hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.
- Lâm Kiên theo Reuters
Xem thêm: