Thượng tuần tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm mức dự báo về tăng trưởng toàn cầu năm 2015 từ 3,1% xuống còn 2,9% và năm 2016 từ 3,6% còn 3,4%. Bản Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu của IMF được ông Jose Vinals – chuyên gia cao cấp công bố cho thấy sựổn định tài chính của các nền kinh tế phát triển đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng nguy cơ lại chuyển sang các nền kinh tế đang lên. Những kết quả phân tích trong bản báo cáo cho thấy các nền kinh tế đang lên và đang phát triển đang trải qua năm năm tăng trưởng chậm liên tiếp và điều này đang là tác nhân chính gây nên nguy cơ bất ổn tài chính cho họ. IMF cũng ước lượng là số nợ của các công ty và ngân hàng ở các nền kinh tế đang lên đã vươn tới con số 3.300 tỉ USD, vốn của họ ngày một mỏng đi. Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil là những nước mà các khoản tín dụng đã tăng lên rất nhiều so với quá khứ. Đặc biệt những nước vay nợ bằng đồng USD mạnh sẽ thấy khoản nợ của họ tăng cao hơn trước, trong đó đáng kể nhất là Hungary, Mexico, Indonesia và Chilê.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, có thể đạt được các mục tiêu đề ra mà vẫn tránh được tình trạng bất ổn của thị trường tài chính? Theo IMF, đất nước này đang đứng trước thử thách khi chuyển từ một hệ thống tập trung cũ kỹ sang một nền kinh tế thị trường sôi động hơn. Và họ đang phải trả giá qua việc dự báo tăng trưởng cho năm 2016 chỉ còn 6,3%, là tỷ lệ thấp nhất trong 25 năm qua. Hiện nay, các chuyển biến về tài chính của Trung Quốc có tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu, nhất là về giá cả hàng hóa, từ dầu hỏa, kim khí đến lương thực thực phẩm. Khi mức tăng trưởng chậm lại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là năng lượng và nguyên liệu công nghiệp của Trung Quốc sút giảm nhanh chóng, tác động lên những nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu hàng cho Trung Quốc. Một viên chức cao cấp của ngành ngân hàng Trung Quốc là Yi Gang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, vừa lên tiếng trấn an công luận khi tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn còn triển vọng tăng trưởng từ trung bình lên mức cao trong một tương lai gần. Lời tuyên bố được đưa ra tại thủ đô Lima của Peru, nơi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tụ hội về tham dự hội nghị hằng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF. Yi Gang nhấn mạnh là mức nhập khẩu nguyên liệu cho nền công nghiệp Trung Quốc vẫn gia tăng đều đặn trong tương lai, nhưng lời trấn an này chưa đủ mang lại sự yên tâm cho những nước đang gắn bó với Bắc Kinh về mặt thương mại, khi mà tỷ lệ tăng trưởng của họ đang ngày càng giảm.
Các chuyên gia của IMF cho rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên là một may mắn đối với một quốc gia, nhiều người sẽ tranh nhau khai thác để nâng cao mức sống và gia tăng sức mạnh kinh tế. Trong trường hợp nguồn khoáng sản và hydrocarbon bị cạn kiệt, nguy cơ suy sụp của nền kinh tế là điều có thể dự báo trước.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)