Trong quý II-2013, lợi nhuận của IBM giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do sự sụt giảm doanh số bán phần mềm và các sản phẩm máy tính. Nếu xét về lợi nhuận và giá trị cổ phiếu, thì so với quý II-2012, lợi nhuận bình quân của IBM trong quý II-2013 đã giảm từ 3,88 tỉ USD, tương ứng với 3,34 USD/cổ phiếu, xuống còn 3,23 tỉ USD, tương ứng với 2,91 USD/cổ phiếu. Các nhà phân tích tỏ ra quan ngại khi nhận định rằng IBM vốn tạo ra doanh số và lợi nhuận từ việc bán các phần mềm, phần cứng và hệ thống máy tính, nay có thể đang sai lầm khi chuyển sang công nghệ điện toán đám mây.
Ông Brian Krzanich, tân Giám đốc điều hành của Intel
Tình hình của Intel cũng không khá hơn. Tập đoàn sản xuất chip máy tính cá nhân (PC) hàng đầu thế giới này trải qua quý II-2013 không mấy sáng sủa, với lợi nhuận sụt giảm 29% so với quý II-2012, từ 2,8 tỉ USD còn 2 tỉ USD. Sau khi nhận trách nhiệm Giám đốc điều hành của Intel vào tháng 5-2012, ông Brian Krzanich đã cơ cấu lại hệ thống quản trị của tập đoàn theo định hướng của một chiến lược mới, theo đó, Intel sẽ chú trọng nhiều hơn đến các bộ vi xử lý Atom dành cho loại hình thiết bị siêu di động (UMPC), cho dù máy tính cá nhân vẫn còn giữ vị trí trung tâm trong kế hoạch kinh doanh của họ. Trong thời gian vừa qua, Intel đưa ra thị trường loại chip Haswell dành cho máy tính bảng, ultrabook và laptop convertible (có thể chuyển đổi thành máy tính bảng), nhưng doanh số bán không đạt mức mong muốn. Chip Haswell còn khá đắt khiến cho sản phẩm không có tính hấp dẫn đối với giới tiêu thụ thích chọn giá phải chăng. Để cứu vãn công nghiệp sản xuất chip lừng lẫy một thời, Intel đang có kế hoạch liên kết với nhiều thương hiệu quốc tế để đưa Intel chip vào các sản phẩm liên doanh dưới dạng điện thoại thông minh hay máy tính bảng.
Những nỗ lực nói trên của IBM và Intel cho thấy sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra nhiều vấn đề gai góc cho không riêng những hãng sản xuất nhỏ lẻ, mà cho cả những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới.
Lê Cẩn tổng hợp