Vòng quay của đất trời dần tiến đến khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, tích tắc khép lại chu kỳ tròn một năm để đón chào Tết Nguyên đán, lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống và là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc từ bao đời nay.
Tết trong quan niệm của người xưa là dịp để nhiều thế hệ về đoàn tụ, hạnh phúc bên mâm cơm sum vầy, là sự háo hức mong chờ của trẻ nhỏ. Những người con bôn ba khắp bốn phương trời dẹp qua những bộn bề của cuộc mưu sinh, trở về quê nhà đón xuân cùng gia đình để cảm nhận bầu không khí đầm ấm bên người thân.
Tết của ngày xưa dù có rất nhiều việc phải lo toan nhưng đó là cái lo của sự phấn khởi, háo hức trang trí nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn thức uống cho gia đình cũng như để tiếp đãi khách đến thăm nhà. Chính những tất bật như thế khiến không khí càng thêm rộn ràng, nô nức từng ngày chờ đón tết với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Nay thì mọi người chú trọng nhiều hơn đến áp lực giải quyết những nỗi lo kinh tế mà tết mang lại. Người làm công ăn lương thấp thỏm chờ tiền thưởng tết, công nhân viên chức xa nhà tất tả chạy lo nào quà cáp nào vé xe, người kinh doanh phải lo tiền trả nợ, chủ doanh nghiệp thì lớn thuyền lớn sóng với trăm mối tơ vò. Vì thế không ít người đã xao lãng những giá trị thực sự của ngày tết.
Dù niềm vui và ý nghĩa của tết đã có nhiều thay đổi để thích nghi với nhịp sống hiện đại, nhưng một số phong tục tốt đẹp mang giá trị truyền thống vẫn được đa số người Việt giữ gìn, dù đối với không ít người đó chỉ như một thói quen hơn là nghi lễ bắt buộc.
Dù xưa hay nay, tết vẫn là dịp đoàn tụ không chỉ với người sống mà cả với người chết. Ngày 30 Tết, hầu như mọi gia đình trên cả nước đều tiến hành nghi thức đón hương linh ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời về vui tết cùng con cháu.
Còn gì thiêng liêng hơn mâm cỗ chuẩn bị chu đáo để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, để rồi sau đó cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên vui vẻ.
Từ ăn trong cụm từ ăn tết phần nào nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mâm cơm tết gia đình. Và ẩm thực ngày tết chính là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt.
Có những món ngon làm ra không chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn trong ngày tết, mà đó còn là biểu tượng bản sắc văn hóa dân tộc. Chẳng hạn như bánh chưng và bánh tét, vừa là đồ cúng lại vừa là món ăn không thể thiếu trong dịp tết. Bánh chưng gắn liền với truyền thuyết dựng nước từ thời Hùng Vương. Còn bánh tét chính là chiếc đòn gánh quan hà mà các bậc tiền nhân đã mang theo trong suốt hành trình mở cõi về phương Nam.
Trên mâm cỗ đủ đầy ngày tết, có thể nhận thấy sự khác biệt của mỗi vùng miền tạo nên bức tranh muôn màu trong đời sống tinh thần người Việt.
Mâm cỗ tinh tế của người miền Bắc thể hiện rõ nhất văn hóa cổ truyền của ngày tết. Được chuẩn bị khá bài bản, một mâm cỗ ít nhất phải có bốn bát và bốn đĩa làm chủ đạo, tượng trưng cho tứ trụ – bốn mùa và bốn phương, một sự kết nối hài hòa giữa con người với vũ trụ bao la. Bốn bát gồm bóng bì nấu thập cẩm, giò heo hầm măng, miến nấu lòng gà và bát mọc. Bốn đĩa gồm có xôi, gà luộc, giò lụa và dưa muối.
Với người Huế xưa thì mâm cỗ tết có phần công phu hơn. Trong những gia đình vọng tộc, mâm cơm cúng mang hơi hướng cung đình với đầy đủ ba loại thượng cầm – chim, gà, vịt; hạ thú – heo, bò, dê và thủy tộc – tôm, cua, cá.
Bữa cỗ cũng không thể thiếu các món đặc sản nem, chả, tré của ẩm thực Huế. Món ăn đặc trưng của mâm cơm ngày tết xứ Huế là chén tôm chua đỏ au cùng thịt luộc xắt lát mỏng tang, kèm dĩa rau sống chan hòa sắc xanh, điểm xuyết màu vàng của khế, màu ngà của trái vả cùng lát chuối sứ trắng nõn – chỉ một miếng ngon thôi cũng hòa quyện đủ vị đời ngọt mặn chua cay.
Chịu ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực cố đô, những món ăn trong mâm cơm ngày tết miền Trung trưng bày rất đẹp mắt, được tạo hình công – phượng – hoa – lá qua bàn tay khéo léo người phụ nữ chốn kinh kỳ.
Trong khi đó, mâm cơm ngày tết của người miền Nam thể hiện rõ tính cách hào sảng của những lưu dân, không gò bó về nghi thức và có phần phong phú, với gỏi gà xé phay, tai heo ngâm giấm, thịt phá lấu, lạp xưởng tươi, tôm khô, củ kiệu… Đặc biệt bánh tét miền Nam rất đa dạng, từ nhân bánh, vỏ bánh, đến chủng loại, màu sắc.
Thịt kho nước dừa, canh khổ qua nhồi thịt là hai món không thể thiếu trong mâm cơm tết miền Nam. Những khúc thịt kho vuông vắn màu hổ phách kết hợp với những quả trứng tròn trịa vàng ươm như sự hòa hợp của âm dương, đất trời. Mưu cầu được rũ bỏ khó khăn, nghèo khổ để chào đón những điều may mắn trong năm mới ẩn hiện trong món canh khổ qua cũng là triết lý nhân sinh trong mâm cơm tết miền Nam.
Ngày tết, trên bàn thờ gia tiên của người Việt không bao giờ thiếu mâm ngũ quả gồm năm loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện thông qua tên gọi và màu sắc. Ngoài ra còn thể hiện mong muốn đạt được ngũ phúc gồm thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (yên lành), du hảo đức (có đức tốt) và khảo chung mệnh (vui hết tuổi trời). Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và nhân sinh quan mà người ta chọn các loại trái cây khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Riêng ở miền Nam, dù thành thị hay thôn quê, dù doanh nhân thành đạt hay nông dân nhà dột cột xiêu, năm loại trái cây thường bày trên mâm ngũ quả gồm mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ và xoài, mang ý nghĩa âm dương hòa hợp từ màu sắc đến hình dạng. Màu xanh của mãng cầu chan hòa với đỏ hồng sung chín, vàng tươi của xoài; thon dài đu đủ – xoài sánh đôi với tròn trịa dừa xiêm – sung… Đây cũng là lời cầu chúc tài lộc theo cách phát âm bình dị, dân dã của người Nam bộ, thể hiện một quan niệm sống rất đặc trưng của con người đất phương Nam hiểu theo nghĩa tri túc: mỗi người một mong ước khác nhau nhưng ai cũng chỉ cần vừa đủ mà thôi.
* * *
Ngày xưa, việc đón tết là một sự kiện lớn được chuẩn bị hàng tháng trời, đặc biệt đối với các bà nội trợ, nào là chăm sóc mấy bụi dong, bụi chuối để chuẩn bị lá gói bánh chưng, bánh tét; nào là nén vại dưa hành, dưa kiệu và tất bật chợ búa lo toan chuyện mâm cao cỗ đầy.
Việc sắm tết của các bà nội trợ ngày nay có phần nhẹ nhàng hơn, không phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, thứ gì cũng có bán sẵn nên chuyện sắm tết đơn giản hơn trước rất nhiều:
Ngày xưa đi chợ khênh đồ
Ngày nay nhấc máy “alô” có liền
Người Việt xưa có thể nghèo quanh năm nhưng không đểkhó trong ba ngày tết. Bao nhiêu món ngon suốt năm không dám ăn thì tết đều có đủ, mâm cơm tết vì thế cũng được mong đợi hơn.
Còn ngày nay, nhắc đến chuyện ăn uống ngày tết, nhiều người chẳng những không háo hức như xưa mà ngược lại còn cảm thấy ngán, khi cái ăn cái mặc đã đủ đầy.
Trẻ con thời xưa thường được cha mẹ hướng dẫn khai bút ngày đầu năm để lấy may cho một năm học hành thuận lợi. Ngày nay, chẳng trẻ con nào biết đến phong tục đó bởi chính các bậc cha mẹ cũng đã thay thói quen khai bút trên giấy bằng cách khai phím trên mạng:
Ngày xưa tay bắt mặt mừng
Ngày nay tin nhắn tưng bừng… online
Vẫn biết tết ngày nay giản lược đi nhiều, thậm chí đôi khi lòng người cũng hờ hững xem như một kỳ nghỉ dài ngày, nhưng giá trị tết cổ truyền vẫn nguyên vẹn.
Phong vị ngày tết vẫn bao trùm với những tập tục truyền thống được trao truyền qua bao thế hệ. Chợ hoa vẫn tưng bừng mở hội, đào thắm mỗi nhà, mai vàng khoe sắc ngoài sân, mâm ngũ quả đủ lễ trên bàn thờ gia tiên. Ngày đầu năm con cháu tụ họp đông đủ chúc tết ông bà, mừng tuổi cha mẹ, trẻ con háo hức được nhận tiền lì xì. Mọi người vẫn giữ nếp chúc tết nhau mỗi độ xuân về:
Mồng Một thì ở nhà cha
Mồng Hai nhà vợ, mồng Ba nhà thầy
Thành phố thưa vắng dần, những người xa nhà rời chốn đô hội trở về quê, đường sá vắng vẻ lạ thường, cho thấy ngày tết cổ truyền vẫn còn nhiều ý nghĩa trong lòng mọi con dân nước Việt.
Quế Phương (DNSGCT)