Những năm gần đây, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 thị trường thường khá trầm lắng, nếu có biến động thì cũng chỉ trong biên độ hẹp do không có nhiều thông tin vĩ mô mang tính hỗ trợ. Năm nay, sự trầm lắng đó còn cộng thêm tâm lý e ngại của nhiều nhà đầu tư do tình hình Biển Đông, nên lực cầu khó thể bung sức. Kinh tế vĩ mô dù có những dấu hiệu khởi sắc nhưng cả nước vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó cải thiện trong vài năm tới, cụ thể tăng trưởng GDP năm nay không vượt qua mức tăng của năm ngoái (5,42%) và cũng chưa thể vượt quá 5,5% trước năm 2016. Theo lý giải của Ngân hàng Thế giới, sở dĩ kinh tế Việt Nam chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn là do lực cầu nội địa yếu, còn dài hạn là do những vấn đề mang tính cơ cấu, đến từ sự chậm trễ trong tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước khiến cho giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng có thể kéo dài. Đó là chưa kể tình hình căng thẳng ở Biển Đông có thể tạo thêm những rủi ro.
Việc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) chính thức ra mắt Quỹ ETF VFMVN30 – quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên tại Việt Nam là một thông tin đáng chú ý tuần qua. Dù nhà đầu tư cần có thêm thời gian để làm quen, nhưng rõ ràng sự kiện này sẽ có tác động tích cực tới thị trường và là bước đi cụ thể đầu tiên của các cơ quan quản lý trong lộ trình đưa thị trường chứng khoán lên một tầm cao mới, với sự xuất hiện của các sản phẩm phức tạp hơn như hợp đồng tương lai, quyền chọn… Hình thức quỹ ETF là mô hình được ưa chuộng trên thế giới và một khi quỹ ETF phổ biến tại Việt Nam, nó sẽ tạo thêm một kênh huy động vốn quan trọng cho thị trường.
Dòng tiền thời gian qua có xu hướng tích cực hơn trong một vài phiên khi khối lượng giao dịch có cải thiện so với mức trung bình của tháng 6, nhưng sự đột phá ấy không kéo dài mà lập tức kém thanh khoản ở những phiên tiếp theo và nhìn chung vẫn còn cách xa so với mức giao dịch sôi động. Nhà đầu tư hiện chỉ còn dõi theo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết, nên các mã thuộc nhóm ngành được dự báo có kết quả doanh thu và lợi nhuận khả quan như hàng tiêu dùng, cao su chế biến, một vài mã bất động sản hạng trung được lựa chọn và xu hướng này nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong thời gian còn lại của tháng 7.
Năm phiên giao dịch trong tuần qua thể hiện rõ tâm lý này. Ba phiên đầu tuần là sự giằng co giữa bên mua và bên bán mà kết quả là sự rung lắc nhẹ của VN-Index, còn hai phiên cuối tuần là sự điều chỉnh khá mạnh, khiến thị trường giảm gần chín điểm. Sự giảm điểm này đơn thuần chỉ là xu thế điều chỉnh sau một tuần thị trường tăng điểm cộng với tâm lý lo ngại của một số nhà đầu tư cá nhân khi thấy khối ngoại chuyển từ đợt mua ròng đều đặn sang bán ròng trên HoSE. Ngoài ra, sau quãng tăng điểm thời gian qua, một số cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh, từ 15 – 20%, nên một số nhà đầu tư tính đến chuyện chốt lời. Dòng tiền ngắn hạn rời bỏ nhóm cổ phiếu có tin kết quả kinh doanh tốt nhưng đã tăng giá nhiều để chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác. Nhưng nhìn chung, việc dòng tiền không tập trung vào một nhóm cổ phiếu dẫn dắt mà nghiêng về hoạt động đầu cơ ngắn hạn cho thấy tính bền vững là không cao. Điểm tích cực trong những phiên giao dịch vừa qua là thị trường không giảm sâu nhờ nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đặt lệnh mua khi giá giảm xuống mức hấp dẫn. Chính điều này khiến cho nhiều nhà phân tích dự báo thị trường vẫn duy trì được khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn. Đà hồi phục có thể mạnh và rõ nét hơn khi những thông tin chính thức về báo cáo quý II của các doanh nghiệp được công bố, thêm vào đó thị trường có sự tích lũy và kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn để làm cơ sở cho nhịp tăng tiếp theo. Tuy nhiên, xét trong ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ không có các thông tin vĩ mô đủ sức giúp VN-Index dễ dàng vượt các ngưỡng cản. Với nhà đầu tư dài hạn, đây có thể xem là thời điểm tìm kiếm cơ hội đầu tư, dĩ nhiên là phải tập trung vào các mã cơ bản của các doanh nghiệp tốt, có dòng tiền lành mạnh.
Phiên giao dịch đầu tuần (14-7), VN-Index hồi phục nhẹ khi tăng 3,46 điểm, lên mức 586,23 điểm, tương ứng với 0,59%. Tuy nhiên, thanh khoản lại giảm mạnh, khối lượng giao dịch chỉ 68,06 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 1.205,12 tỉ đồng. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với trung bình của tuần trước cho thấy các nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý lo ngại về thị trường, sự giằng co vẫn còn khi số lượng mã tăng/đứng/giảm lần lượt là 113/89/76.
Thành Huân