Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2018 toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 149.220 tỉ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo đó giảm về mức 1,89% so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và dưới ngưỡng mục tiêu 2% theo Nghị quyết 01/NĐ-CP 2019 ban hành hồi đầu năm 2019.
Báo cáo tài chính quý IV-2018 được các ngân hàng công bố thời gian vừa qua cũng cho thấy phần lớn nợ xấu đã giảm đáng kể so với đầu năm 2018. Nhờ hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, giá trị nợ xấu đã được xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng giảm mạnh chỉ trong ba tháng cuối năm 2018, thậm chí có ngân hàng giảm tới hơn 50% so với đầu năm.
Thống kê cho thấy, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (Vietcombank, Techcombank, VPBank, Sacombank, LienVietPostBank, VIB, MBBank, ACB, ABBank, TPBank, PGBank, BacABank, Saigonbank, Kienlongbank, VietBank) tổng nợ xấu tính đến hết quý IV-2018 là hơn 34.810 tỉ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ.
Tại ACB, nợ xấu nhóm 3-5 theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN tại thời điểm cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 0,8%, giúp chi phí dự phòng giảm gần 75% trong quý IV-2018 và giảm 64% trong cả năm 2018.
Tại Vietcombank, nợ xấu nội bảng vào cuối năm 2018 là 6.215 tỉ đồng, giảm 1.209 tỉ đồng trong ba tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank ở mức 0,98%, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống. Sacombank là một trong những ngân hàng xử lý được nhiều nợ nhất trong năm qua khi nợ xấu đã giảm về mức 5.400 tỉ đồng, tương đương giảm 48%, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 4,7% hồi đầu năm 2018 về chỉ còn 2,11% vào cuối năm.
Tại Saigonbank, tốc độ giảm nợ xấu còn ấn tượng hơn, đạt 66% trong quý IV-2018; tính cả năm, nợ xấu giảm 28%, về mức 301 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,98% về 2,2%. Trước đó, có thời điểm tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank tăng lên trên 6%. PGBank cũng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2018, so với mức 4,5% vào cuối tháng 9-2018.
Bên cạnh những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, không ít ngân hàng vẫn chưa thể xử lý tốt nợ xấu, dẫn đến phải trích lập dự phòng rủi ro cao. Chẳng hạn tại VPBank, tính đến cuối năm 2018 nợ xấu của ngân hàng hợp nhất là 7.766 tỉ đồng, giảm hơn 1.600 tỉ đồng so với cuối tháng 9-2018, nhưng tăng 25% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 3,39% lên 3,51%. Tỷ lệ này ở riêng ngân hàng mẹ chỉ khoảng 2,7%.
VPBank hiện còn nắm giữ hơn 3.100 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC (công ty thu mua nợ quốc gia) phát hành, giảm 21,9% so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 40,6% trong năm qua, lên 11.253 tỉ đồng.
Với Agribank, nợ xấu theo Thông tư 02 vào cuối năm 2018 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỉ đồng, đạt 104% kế hoạch, trích lập dự phòng rủi ro 25.590 tỉ đồng. Dù vậy, theo lãnh đạo Agribank, tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỉ đồng – đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Có thể thấy, nợ xấu là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sức khỏe của ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã xóa được nợ tại VAMC trong hai năm qua như Vietcombank, Techcombank, MBBank, VIB, OCB… Tuy vậy, bên cạnh việc xử lý nợ cũ, các ngân hàng cần phải kiểm soát chất lượng tín dụng, tránh không để nợ xấu phát sinh thêm.
Trên thực tế, tuy đã cải thiện kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành, nhưng công tác xử lý nợ xấu vẫn đang gặp không ít khó khăn, nhất là khi thời hạn năm năm các khoản nợ xấu bán cho VAMC bắt đầu được đáo hạn vào năm nay và ngân hàng buộc phải nhận lại để xử lý.
Việc chủ động mua lại trước hạn nợ xấu có thể làm tăng nợ xấu nội bảng tại một số ngân hàng nhưng điều này cũng cho thấy các ngân hàng này đã đủ năng lực để xử lý hết nợ xấu trên bảng cân đối kế toán.