Phân khúc căn hộ vẫn đang dư thừa trong giai đoạn hiện nay
Đổ tiền vào đâu?
Thật ra, con số 500 ngàn tỉ đồng ấy chỉ dừng lại ở mức “có khả năng” từ nay đến cuối năm sẽ có chừng ấy tiền đổ vào nền kinh tế. Số tiền này đến từ hai nguồn. Thứ nhất là Chính phủ, với 120 ngàn tỉ đồng đầu tư công trong kế hoạch năm nay chưa giải ngân, 38 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ, 17 ngàn tỉ đồng từ các khoản đầu tư khác. Nguồn thứ hai sẽ đến từ khoản tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp. Theo kế hoạch, với tăng trưởng tín dụng khoảng 15 – 16% trong khi từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng là âm thì để đạt kế hoạch, khoảng 300 ngàn tỉ đồng sẽ được cấp cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Ngoài ra còn có nguồn vốn ODA giải ngân, vốn đầu tư nước ngoài, chi ngân sách thường xuyên và vốn đầu tư của người dân… Tất cả vào khoảng 500 ngàn tỉ đồng ấy đã được người ta “đổ” hết cho bất động sản, chứ thực ra cả nền kinh tế chưa chắc đã có thêm chừng đó vốn, đừng nói là chỉ riêng lĩnh vực bất động sản.
Đó là chưa kể, nhiều người quên rằng nguồn vốn mới là một phần của vấn đề. Giả sử có chừng đó vốn đổ vào bất động sản, nhưng chỉ tập trung vào việc tạo ra nguồn cung, thì thị trường sẽ ra sao? Hiện TP. Hồ Chí Minh còn hơn 20 ngàn căn hộ chưa bán được, dù từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách để bán hàng. Nguồn cung – nếu không có sự hỗ trợ nào – được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng ba năm tới. Vậy nếu nguồn cung ấy được hỗ trợ để tăng tốc, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hơn nữa, trong khi phía cầu không có sự thay đổi về căn bản, chuyện gì sẽ xảy ra? Không nói ra thì ai cũng biết, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Vì các ngành liên quan, nên cứu bất động sản?
“Chưa lúc nào Chính phủ quan tâm đến thị trường bất động sản như hiện nay. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có một nguồn tiền lớn được bơm vào các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản có thể không nóng lên nhanh chóng, nhưng chắc chắn sẽ phục hồi trong 3-4 tháng tới”. Đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tại hội thảo “Vực dậy nguồn lực bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với báo Lao động tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua.