Cường giáp là một hội chứng, không phải bệnh. Cường giáp, còn gọi là cường giáp trạng hoặc cường chức năng tuyến giáp, là hội chứng gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết khiến cơ thể có quá nhiều hormone tuyến giáp, dẫn đến xuất hiện một loạt triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể như điều tiết lượng canxi trong máu, tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sự hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cho cơ thể. Cường giáp thường ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, tỷ lệ bệnh nhân nữ bị cường giáp cao gấp ba lần nam.
Hội chứng là tập hợp các triệu chứng do nhiều bệnh gây nên, trong đó có bệnh bướu giáp trạng mà dân gian hay gọi nôm na là bướu cổ. Có hai loại bướu cổ hay gây ra hội chứng cường giáp là bệnh Basedow (còn gọi là bướu cổ lồi mắt) và bướu cổ đa nhân nhiễm độc. Hội chứng cường giáp có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng ít thể hiện thành triệu chứng hơn ở người cao tuổi.
Các dấu hiệu của hội chứng cường giáp
– Giảm cân đột ngột ngay cả khi bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường (trong một thời gian ngắn, người bệnh có thể sụt đến hơn 10kg).
– Gia tăng cảm giác thèm ăn.
– Nhịp tim nhanh (hơn 100 nhịp/phút) hoặc loạn nhịp tim.
– Trong người luôn có cảm giác nóng nảy, bực tức, lo lắng, căng thẳng, khó ngủ.
– Đổ mồ hôi nhiều.
– Mệt mỏi, yếu cơ, tay hoặc các ngón tay có biểu hiện run.
– Nhu động ruột hoạt động mạnh hơn mức thông thường nên có nhu cầu đi tiêu nhiều hơn, thường bị tiêu chảy.
– Da mỏng hay đỏ và dày ở bàn chân, cẳng chân; tóc xơ, giòn.
– Kinh nguyệt thay đổi (ở nữ).
– Tuyến giáp phình to khiến cổ bị sưng.
– Mắt có sự thay đổi: phồng lên, đỏ, sưng, nhìn mờ, nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng.
Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy đi gặp bác sĩ. Điều quan trọng là phải mô tả một cách chính xác những thay đổi bạn đã gặp phải, bởi vì nhiều dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp có thể liên quan với một số tình trạng bệnh khác.
- Xem thêm: Những điều người bị suy giáp nên biết
Một số biến chứng của hội chứng cường giáp
Nếu mắc hội chứng cường giáp, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng sau:
Các vấn đề tim mạch: Biến chứng nghiêm trọng nhất của cường giáp là gây ra những vấn đề về tim mạch như nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, vì tim không thể cung cấp đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Những biến chứng này có thể phục hồi nếu được điều trị thích hợp.
Xương giòn: Nếu không được điều trị, cường giáp có thể dẫn đến xương yếu, giòn (loãng xương). Nguyên nhân là do cơ thể có quá nhiều hormone tuyến giáp sẽ gây cản trở quá trình hấp thu canxi vào xương.
Những vấn đề về mắt: Nếu mắc hội chứng cường giáp do bệnh Basedow, bệnh nhân sẽ gặp các vấn đề về mắt như mắt lồi ra, đỏ hoặc sưng, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ hoặc mắc tật nhìn đôi. Nếu các vấn đề nghiêm trọng của mắt không được điều trị, bạn có nguy cơ mất thị lực.
Bệnh thừa thyrotoxic quá mức: Cường giáp cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ bị thừa thyrotoxic quá mức, đây là tình trạng gia tăng đột ngột các triệu chứng dẫn đến sốt, mạch nhanh và thậm chí mê sảng. Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cường giáp
Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần theo đuổi chế độ dinh dưỡng hợp lý vì đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng góp phần hỗ trợ điều trị. Theo các chuyên gia y tế, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cường giáp cần đảm bảo các vấn đề sau:
– Tăng cường sử dụng thực phẩm có chứa nhiều calo, các chất đạm lành mạnh để hạn chế tình trạng sụt cân, thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến suy nhược, mệt mỏi.
– Sử dụng nhiều thực phẩm chứa vitamin D và omega-3 như cá hồi, các loại nấm, quả óc chó, dầu ôliu… để cung cấp cho cơ thể lượng axit béo cần thiết, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa loãng xương.
– Thường xuyên sử dụng các loại quả mọng nước như dâu tây, cam, quýt… vốn giàu hàm lượng oxy hóa, có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch.
– Bổ sung các loại rau họ cải vào bữa ăn hằng ngày vì chúng có chứa chất gitrogen có tác dụng hạn chế việc sản xuất hormone tuyến giáp.
– Do bệnh nhân cường giáp thường xuyên bị sụt cân nên cần cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể, nhất là protein từ các loại đậu vì chúng an toàn và có lợi cho người bệnh. Bệnh nhân cũng nên dùng gạo lứt, lúa mạch, bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt.
– Đối với những bệnh nhân cường giáp có triệu chứng về đường tiêu hóa nên sử dụng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… Ngoài ra các chế phẩm từ sữa giàu canxi có thể ngăn ngừa loãng xương do bệnh cường giáp gây ra.
Bên cạnh việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp cho chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cường giáp, vẫn có những loại thực phẩm nên kiêng ăn.
– Hạn chế hấp thu lượng i-ốt quá nhiều để tránh tình trạng sản xuất ra nhiều hormone tuyến giáp khiến bệnh ngày càng nguy hiểm.
– Không nên sử dụng sữa tươi nguyên kem vì chứa rất nhiều chất béo, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Nên chọn các loại sữa đã tách riêng kem.
– Không sử dụng các sản phẩm có chứa caffeine vì trong caffeine có chứa chất kích thích sẽ làm cho tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone thyroxin, khiến cơ thể tỏa nhiều nhiệt, người lúc nào cũng nóng nảy, khó chịu.
– Hạn chế sử dụng bột vì trong bột không chỉ chứa rất ít chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, gây khó tiêu hóa mà còn chứa lượng đường huyết cao gây ảnh hưởng đến lượng đường cũng như hormone trong máu.
– Không nên ăn thịt đỏ vì trong thịt đỏ có chứa hàm lượng cholesterol, chất béo bão hòa cao; nếu ăn nhiều loại thịt này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường.
– Tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường (như bánh kẹo, nước ngọt…) vì sẽ làm bệnh nhân tăng cảm giác hồi hộp, lo âu.