Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phối hợp Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Friedrich Ebert Stifung (FES) vừa công bố chương trình hỗ trợ tài chính cho các nhà báo/phóng viên thực hiện đề tài tập trung vào khía cạnh liên quan thương mại và phát triển bền vững, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), quy tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và quyền con người.
Với chương trình hỗ trợ tài chính này, đề tài được lựa chọn (ưu tiên thể loại phóng sự, điều tra, chuyên đề; tính khả thi của đề xuất và năng lực thực hiện của nhà báo) với báo viết sẽ được hỗ trợ từ 10 triệu đồng/đề tài; truyền hình từ 15 triệu đồng/đề tài. Tổng mức hỗ trợ nhà báo tham gia chương trình là 90 triệu.
Mục tiêu của chương trình là tìm kiếm các ý tưởng hay để đồng hành và phát triển các ý tưởng đó thành các sản phẩm báo chí tốt từ đó cung cấp cho công chúng và doanh nghiệp về sự cần thiết và tầm quan trọng trong việc thực hiện các cam kết trong chương thương mại và phát triển bền vững trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực thực thi vào năm 2020.
EVFTA được xếp vào hàng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bởi có những nội dung bảo vệ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Tiêu chuẩn về lao động trong EVFTA tái khẳng định việc tôn trọng và thức đẩy bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Trong khi đó, tiêu chuẩn môi trường trong EVFTA chỉ mới ghi nhận các cam kết đã có trong các Công ước đa phương về môi trường (MEAs) mà Việt Nam và EU hiện đang là thành viên. Trong đó nhấn mạnh một số yêu cầu như: biến đổi khi hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, kinh doanh và quản lý bền vững các nguồn hải sản sống và sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Thực tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với các vấn đề suy thoái đất, suy thoái rừng, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và quản lý chất thải rắn. Quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn quá phụ thuộc vào nguyên liệu từ thiên nhiên; chưa chọn lựa mô hình tăng trưởng có tính bền vững và thân thiện môi trường. Chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp chưa hiệu quả, rủi ro cao. Để tiêu chuẩn môi trường đi vào thực tiễn hơn, cần đòi hỏi cao hơn về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện các công bố thông tin môi trường công khai; giải pháp bảo vệ môi trường, đầu tư vào công nghệ làm sạch môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện môi trường…
Hạn cuối nhận đề cương ý tưởng là 30.1.2020. Ban tổ chức thông báo kết quả ngày 5.2.2020.
Trong tháng 2 và tháng 3.2020, các tác giả sẽ thực hiện đề tài và hoàn thành sản phẩm. Từ 20-30.3.2020 là quãng thời gian đăng tải sản phẩm trên các phương tiện truyền thông (Phương án truyền thông sản phẩm như: kênh đăng tải, khoảng thời gian sản phẩm được xuất hiện trên phương tiện truyền thông, cũng là một yếu tố xem xét).
Ứng viên đăng kí và gửi đề cương (không quá 1.5 trang A4) muộn nhất 24:00 ngày 30.1.2020 đến http://bit.ly/33HTumj (quét QRCode ở ảnh trên).