Hoài Nam nghĩa sĩ miếu hay Nghĩa sĩ miếu là tên gọi một ngôi đền Việt được dựng trong Vườn Thuộc địa (Jardin colonial de Nogent-sur-Marne) ở ngoại ô Paris nước Pháp. Đền khánh thành ngày 9.6.1920, ban đầu dùng làm nơi thờ những người lính Việt bỏ mình trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Về việc thành lập ngôi miếu này, sách Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ chép:
“Năm Kỷ mùi Khải Định thứ 4 (1919), tháng Hai: Triều đình Đại Pháp bàn dựng Nghĩa sĩ miếu ở Norgent sur Marne (Nô Giăng Xiết Mạc) để thờ các tướng sĩ nước ta trận vong, nhưng chuyển giao cho thống sứ Bắc kỳ thu xếp đồ vật thờ cúng và các hạng biển ngạch, liễn đối để trần thiết. Thống sứ đại thần báo cho Tòa Khâm sứ, Khâm sứ đại thần bàn với bề tôi Cơ mật viện dâng tờ tâu xin giao cho Bộ Lễ bàn bạc thi hành, lại xin ban một đạo sắc:
(Đại Nam hoàng đế sắc ban cho lính chiến lính thợ qua Tây: Ngày trước vâng lời dụ của trẫm ứng mộ qua quý quốc, có người làm việc lập công, không nề lao khổn, có người cầm gươm khoát giáp dũng cảm xông lên, nhiệt thành với lân bang, hết lòng trong nghĩa vụ không may mà chết. Người đời từ trước ai không chết, chết vì việc nước, chết cương thường là chết được đúng chỗ, chết có tiếc gì. Nhưng hồn cõi đất lạ, thân quyến ngóng trông, nhắc tới việc ấy, trẫm rất thương xót. Nay vũ công cáo thành, lập đền kỷ niệm ở quý quốc để thờ cúng, linh sáng ngàn thu nhờ đó được cúng tế tiếc thương. Anh hùng muôn thuở qua ngang nơi ấy ngẫm nghĩ nhớ nhung, nếu có thiêng thì nơi chin suối cũng được an ủi. Kính thay!)
Vâng mệnh gửi tới đặt ở đền để an ủi hồn thiêng.
Xét đất Nogent sur Marne cách thành Paris khoảng 20km, giáp rừng Vincennes, rộng khoảng hơn hai mươi mẫu, cây cối xanh tốt, cảnh trí u nhã. Sau khi Âu chiến vũ công cáo thành (1918 Tây lịch), Đại Pháp nghĩ quân sĩ nước ta tùng chinh trận vong, tiếng thơm việc nghĩa không thể để mai một nên dựng miếu thờ trong vườn ấy gọi là An Nam Nghĩa sĩ miếu theo quy chế đền thờ của nước ta (khung nhà từ Bắc kỳ chế tác gửi qua) gồm ba gian hai chái rất to lớn tráng lệ. Gian giữa đặt di ảnh của Anh Duệ Hoàng thái tử; gian trái thờ lính chiến trận vong (đều có danh sách), có ảnh chân dung của phi tướng Đỗ Hữu Vị (người Nam Kỳ) đặt ở đó (người Cao Miên, Ai Lao trận vong cũng thờ chung phía dưới); gian phải thờ lính thợ trận vong.
Trước án giữa miếu treo một tấm biển ngạch, trong khắc bốn chữ “Cảm khái hệ chi” – (Cảm khái buộc vào), bốn phía có chấn song nghi trượng. Cột trong miếu đều treo câu đối sơn son thếp vàng; trong đó có một câu viết “Dự liệt cường tứ tải đằng danh, xả sinh thủ nghĩa, Cử toàn Việt tam kỳ ứng mệnh, hứa quốc dĩ thân (Bốn năm cùng liệt quốc vang danh, bỏ mình giữ nghĩa, Ba kỳ khắp Việt Nam ứng mệnh, vì nước trao thân).
Lại có câu viết “Nghĩa trọng giao lân, tráng chí tại sinh tử tồn vong chi ngoại, Thân quy dị vực, trung hồn do huân cao thê sảng kỳ gian” (Nghĩa trọng bang giao, chí mạnh ngoài việc mất còn sống chết. Thân về cõi lạ, hồn trung còn nơi cúng tế tiếc thương).
Phàm người vào miếu chiêm bái không ai không cúi đầu tưởng nhớ. Mỗi khi đến lễ các thánh nam – nữ, chính phủ Đại Pháp đặc phái viên tới đặt vòng hoa, lại đọc điếu văn truy điệu, hàng năm lấy đó làm lệ thường. Đến ngày Tết nguyên đán nước ta thì du học sinh ba kỳ, và những binh lính thợ thuyền ngụ ở Paris nối nhau tới thắp hương lễ bái. Cạnh Nghĩ sĩ miếu lại xây Nghĩa sĩ đài để kỷ niệm những người Đông Dương theo Thiên chúa giáo trận vong, trên đó có ghi tên họ rõ ràng có thể đọc được. Vả lại, còn mô phỏng kiến trúc của Cao Miên, Ai Lao xây thêm hai gian, một gọi là Viện Thực vật; một goại là Viện Hội nghị, nhiều người ngoại quốc tới đó du lãm.
- Xem thêm: Đến Huế thăm di tích Hổ Quyền Voi Ré
Sau khi miếu xây xong hơn mười năm, có nguyên Thủ hiến Nha Học chánh Đông Pháp Gourdon làm hội chủ thường xuyên giám sát đôn đốc và đặt miếu phu (binh lính hoặc thợ người nước ta) ở đó coi giữ (Đại Nam Thực Lục…, sđd, tr. 228).
Được biết, ngày 9.6.1920 lễ khánh thành ngôi đền được tổ chức rất long trọng với sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp Pháp như Albert Sarraut, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa; Thống chế Joffre, Alexandre và Đặng Ngọc Oanh – viên quan đại diện cho Hoàng đế Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhiều cựu chiến binh Việt, Pháp đến để tưởng niệm các chiến hữu đã mất…
Trước đó, người ta cho phục hồi lại bàn thờ và các vật dụng trang trí được thực hiện bởi chính các nghệ nhân người Việt trong Nam ngoài Bắc: gốm Cây Mai trong Nam, những tấm biển sơn mài ngoài Bắc, một chiếc lư đồng như phiên bản của cửu đỉnh tại cung thành Huế. Các lễ vật cúng bái như nhang đèn, pháo, trống, chiêng… cũng được chuyên chở gấp rút từ Việt Nam qua. Sự chuẩn bị cho lễ khánh thành rất chu đáo chu đáo.
Buổi lễ khai mạc bằng bài diễn văn của vị đại biểu Nam kỳ là ông Lê Quang Liêm, người phát ngôn cho những lính thợ Đông Dương. Lần lượt sau đó là phát biểu của các vị Đặng Ngọc Oanh, đọc sắc chỉ của vua công nhận ngôi đền; đến Henri Gourdon, Chủ tịch Hội Tưởng niệm Đông Dương; Bộ trưởng thuộc địa Albert Sarraut. Kế tiếp là phần rước tấm bản ghi sắc chỉ của vua Khải Định vào ngôi đền. Cờ của các nước Đại Nam, Pháp, Cao Miên, Lào bên nhau tung bay trong gió. Báo chí ở Pháp và Việt Nam thời ấy có khá nhiều bài tường thuật sự kiện này như tờ Echo Annamite, Le Journal, Le Gaulois, Le Petit Parisien, L’Echo de Paris, Le Figaro…
Từ lúc đó, ngôi đền trở thành điểm tham quan lễ bái cho những người Việt Nam có dịp đến Pháp. Vị thượng khách quan trọng bậc nhất trong số này chính vua Khải Định. Vào ngày thứ hai, 26.6.1922, nhà vua cùng con trai là hoàng tử Vĩnh Thụy đã đến thăm ngôi đền.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết trong Thực lục, điều rất đáng tiếc là gần đây, ngày 21.4.1984, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi đền. Trên nền cũ chỉ còn lại lối đi tam cấp có tạc hình rồng bằng đá. Năm 1992, người ta cho xây trên ấy một kiến trúc mới đơn sơ, nhỏ hơn trước và có vẻ giống như môtip đền của Nhật Bản.
- Xem thêm: Về với Bạch Đằng Giang
Cùng thời điểm đó, tại Huế một đài tưởng niệm lớn cũng đã được xây dựng, gọi là Đài Chiến sĩ trận vong, dân gian gọi là Bia Quốc Học vì đối diện là Trường Quốc Học Huế.
Đài được khởi công xây dựng ngày 12.5.1920, kinh phí thi công gần 10.000 đồng và hoàn thành ngày 18 tháng 9 cùng năm. Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 23.9.1920 với sự có mặt của vua Khải Định, các quan chức người Pháp, người Việt tham dự đông đủ.
Về kiến trúc kiểu dáng của đài tưởng niệm, hội đồng xây dựng đã thảo luận rất cẩn trọng, nhằm bảo đảm các yếu tố văn hoá truyền thống, hài hoà với môi trường, không gian kiến trúc của sông Hương, của Trường Quốc Học và các công trình kiến trúc đã có trong khu vực.
Theo ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Đình Hoè – một thành viên của hội đồng, đài được xây dựng theo hình dáng là một bình phong lớn. Hai bên là 2 trụ biểu cao 10m tạo nên vẻ hùng tráng uy nghi. Đài có 2 tầng, có mái che, xây trên nền 2 bậc cấp, chính giữa có hình Huân chương treo trên một cái Kim khánh. Thân và bệ đài được trang trí theo các motip Rồng, Lân, chữ Thọ được cách điệu cùng các đề tài khác như Mai, Lan, Cúc, Trúc… Các hoạ tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Những mô típ kiến trúc này đều được lấy kiểu ở các lăng vua Thiệu Trị và Tự Đức.
- Xem thêm: Về Thanh Hóa thăm di tích Lam Kinh
Nhận xét về Đài Tưởng niệm, Ông E.Le Bris, một giáo viên của Trường Khải Định (Quốc Học) Huế đã viết trong tạp chí B.A.V.H (1937) như sau:
“Toàn bộ bia đều mang vẻ lạ lùng, đẹp và gợi nên cảm hứng rất An Nam, kể cả cái vẻ uy nghiêm bởi cái đồ sộ của nó, và tính cách giật lùi thời gian mà tầng nền rộng lớn ở phía trước nó đã đem lại cho nó tính cách ấy” (sđd, Hà Xuân Liêm dịch, tr 493).
Mặt trước thân đài quét vôi màu trắng, có ghi tên 31 người Pháp chết trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, về sau đã được xóa bỏ. Mặt sau cũng thiết kế tương tự, ghi tên 78 người Việt ở Trung kỳ.
Trải qua bao biến động, đài Chiến sĩ trận vong ở Huế vẫn được gìn giữ và tu bổ như một Di tích lịch sử. Kiến trúc của đài đã thể hiện được nét đẹp truyền thống của kiến trúc Huế. Phong cảnh nơi đây đã hài hòa với cảnh quan bên dòng sông Hương thơ mộng…