Đi theo con đường Bùi Thị Xuân ở phía bờ nam sông Hương, du khách sẽ đến với phường Thủy Biều, một vùng làng quê thanh bình ở phía tây thành phố Huế.
Dù đã lên phường được mấy năm, nơi đây vẫn giữ được khung cảnh thơ mộng của những con đường làng rợp bóng cây điểm xuyết những mái ngói, những ngôi từ đường cổ kính. Đầu thu, hấp dẫn nhất trong các khu vườn Thủy Biều là cây thanh trà – một loại bưởi đặc sản của Huế đang ra trái sum suê. Không chỉ thế, tại thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều trong phường còn có một di tích độc đáo ít người biết đến. Đó là đấu trường Hổ Quyền Voi Ré.
Đấu trường Hổ Quyền Voi Ré được xây dựng vào năm 1830, có dáng hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,8m; vòng thành ngoài 4,75m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế; chu vi tường ngoài là 14m, đường kính lòng chảo là 44m. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh.
- Xem thêm: Hòn Chén, cảnh đẹp bên dòng sông Hương
Đối diện với khán đài có năm cái chuồng nhốt cọp, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn. Ngoài thành có một cổng có hai cánh cửa bằng gỗ, trên cửa ghi chữ “Hổ Quyền” là lối đưa voi vào sân đấu. Lối dẫn lên khán đài được làm bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho quan chức và binh lính.
Chuyện kể rằng, trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và cọp được tổ chức sớm nhất là vào thời các chúa Nguyễn và được tổ chức ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến Dã Viên để xem một cuộc đấu giữa voi và cọp.
Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử vì từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, 40 con voi đã tàn sát 18 con cọp được thả ra để làm vật tế thần trong ngày hội. Thời các vua Nguyễn, khi chưa có một đấu trường riêng để đảm bảo an toàn, những cuộc đấu giữa voi và cọp vẫn được tổ chức và được xem là những ngày hội lớn của triều đình và dân chúng.
Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và cọp ở bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, cọp đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng.
Vua Minh Mạng kịp dùng sào đẩy lùi được con cọp và nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết cọp giữa dòng sông cứu vua kịp thời. Do những sự cố như thế nên Hổ Quyền – một đấu trường kiên cố được xây dựng nhằm tổ chức những cuộc đấu an toàn.
Người ta kể rằng, trận đấu cuối cùng được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Lần đó voi nhát gan, thấy cọp không chịu đánh, tìm cách tránh đi chỗ khác. Sau cùng, một con voi cái bước ra có vẻ hiên ngang đi qua đi lại trước mặt con cọp không chút sợ sệt. Vua Thành Thái ngồi xem liền khen “Con này can đảm!”.
Rồi, cọp nhảy đánh phóc lên trán voi, voi hất mạnh cho rớt xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ, voi tức giận rống lên một tiếng vụt chạy đến đẩy mạnh cọp vào thành Hổ Quyền, dùng sức lấy đầu vừa húc vừa ép. Khi voi ngẩng đầu ra, cọp liền té xuống, voi lấy chân đạp chết. Cuộc chiến đấu xảy ra ngắn ngủi, và từ đó về sau, mãi mãi không diễn ra trận đấu nào nữa.