Họa sĩ bậc thầy tranh thủy mặc Trương Hán Minh vừa qua đời ở tuổi 70 tại nhà riêng vào sáng 21/9 tại TP.HCM, sau thời gian chống chọi ung thư.
Nhắc đến dòng tranh thủy mặc tại Việt Nam, công chúng mỹ thuật đều biết đến danh tiếng của họa sĩ Trương Hán Minh. Thật ra, ông không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà gần đây còn được xếp vào top những danh họa thủy mặc của thế giới.
Họa sĩ Trương Hán Minh sinh năm 1951, tại Chợ Lớn, TP.HCM. Từ nhỏ Trương Hán Minh đã rất yêu thích hội họa, bộc lộ năng khiếu rất sớm qua những nét vẽ. Ngay từ thời tiểu học, trong tập vở của ông đầy những hình vẽ nguệch ngoạc hoa lá chim muông. Năm 17 tuổi, Trương Hán Minh may mắn được thọ giáo họa sĩ Lương Thiếu Hằng, người từ Hồng Kông sang Việt Nam mở Trường Tư thục Nghệ Uyển Đông Phương (1966) nhằm mục đích quảng bá dòng tranh thủy mặc cách tân thuộc họa phái Lĩnh Nam mà sư tổ là họa sĩ Triệu Thiếu Ngang.
Đến thăm họa thất của họa sĩ Trương Hán Minh, chúng tôi hoa mắt với bộ họa cụ truyền thống được gọi là “văn phòng tứ bảo”, gồm: bút, nghiên, giấy, mực. Giá treo bút lông của ông đủ mọi kích cỡ, các nghiên mài mực được xếp gọn gàng bên tay phải để tiện dụng. Ngoài mực đen, ông còn cho chúng tôi xem cả những thỏi mực xanh, vàng nhạt,… Ông cho biết, đôi khi ông cũng sử dụng thêm cả những tuýp màu nước.
Cố nhiên, một bộ họa cụ tốt chưa đủ để làm nên một tác phẩm, vì mỗi bức tranh thủy mặc là một tác phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa Thi, Thư, Họa, Ấn. Các họa sĩ thủy mặc bậc thầy như Vương Duy đều tinh thông cả Thi ,Thư, Họa, Ấn.
Theo họa sĩ Trương Hán Minh, tranh thủy mặc gồm 5 yếu tố: Bút, mực, hình, màu, thơ. Bút là bút pháp. Mực là chất liệu mực (mực khô, mực nhuận). Hình là hình dạng mình muốn vẽ. Bố cục và màu sắc phải hài hòa, tươi đẹp, mát mẻ, cho người xem cảm giác tươi vui, màu sắc gần gũi, dễ chịu. Cái quan trọng nhất là cái thần, đó là cái thần thái, thần sắc làm nên sức sống của sự vật, đối tượng. Mình vẽ phải xuất thần thì tranh mới sống động. Có sống động mới hấp dẫn người xem.
- Xem thêm: Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ
Muốn vẽ thủy mặc phải khổ luyện thuần thục mới đạt được Tâm bút hợp nhất.
Ví dụ, để vẽ con chim, mình phải luyện vẽ hàng ngàn con chim thuần thục đến mức muốn vẽ từ đầu, cánh, đuôi hay từ bất kỳ bộ phận nào trước đều được. Muốn được như vậy, phải dày công quan sát kỹ đối tượng, như quan sát chim ăn, hót, rỉa mồi, dang cánh,… Khi đã thuộc những chi tiết động tác của con chim đến một mức độ, chỉ cần cầm cọ phóng bút là có thể vẽ ra con chim trong nhiều tư thế. Không chỉ thế, còn phải tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của từng con vật, loài hoa,… gắn liền với văn hóa truyền thống.
Chẳng hạn, hoa mẫu đơn được xem là thiên hương quốc sắc; mai thạch tượng trưng cho phẩm giá cao quý và ý chí, được nhân hóa; trúc được ví với người quân tử, tượng trưng cho sự ngay thẳng, bất khuất; lan được coi như mỹ nhân; đá tượng trưng cho trường thọ, ý chí;…
Trôi trong cõi tranh thủy mặc của Trương Hán Minh, mỗi người xem, tùy theo trường liên tưởng thẩm mỹ và vốn trải nghiệm riêng của mình, có thể có những ấn tượng không giống nhau. Nhưng cảm giác chung khi xem tranh của ông, dù vẽ cảnh sơn thủy, hoa điểu đều toát lên tình yêu thiên nhiên, ca ngợi những khí chất cao đẹp, vừa tiếp nối di dưỡng được truyền thống thủy mặc cổ điển, vừa có những tìm tòi phá cách mang hơi hướng hiện đại. Trong mỗi đề tài tưởng chừng như quen thuộc, họa sĩ vẫn tỏ rõ sự phong phú của tâm hồn, bản lĩnh trải nghiệm của mình qua những cách nhìn riêng đầy chất thơ với bút pháp thuần thục.
Trong mảng tranh sơn thủy, ông thể hiện tình yêu pha lẫn với cảm xúc tự hào về nét đẹp của phong cảnh Việt Nam qua những bức vẽ phong cảnh Vịnh Hạ Long, Hồ Gươm, ruộng bậc thang, Cầu Tràng Tiền – Huế, những thác nước ở Đà Lạt, rừng đước Cà Mau,…
Mảng tranh về hoa sen, một loài hoa rất quen thuộc và có ý nghĩa biểu trưng với người Việt Nam cũng được ông dày công nghiên cứu và thể hiện với bút pháp biến hóa đa dạng, sống động.
Với hơn 50 cuộc triển lãm cá nhân tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước Đông Nam Á, Âu Mỹ và nhiều lần tham gia triển lãm đóng góp hàng tỷ đồng từ tiền bán tranh vì mục đích từ thiện, ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, thể hiện sự yêu mến và công nhận tài năng cũng như tấm lòng của ông dành cho cộng đồng.
Đến thăm phòng tranh số 444 đường Minh Phụng của họa sĩ Trương Hán Minh, tôi tận mắt nhìn thấy cả tủ kỷ niệm chương và cả kệ lớn bằng khen, giấy khen được ông lồng khung kính xếp cẩn trọng như xếp sách.
Ngoài những bức tranh được bày kín các tầng lầu, một lượng tranh khổ lớn và vừa được xếp đầy kho và xếp dọc các chân tường, một lượng tranh đáng kể khác chưa lên khung được ông cuộn lại xếp đầy các ngăn tủ cho thấy sức sáng tạo và khả năng làm việc miệt mài của người họa sĩ đã mấp mé tuổi thất thập.
Sau câu chuyện say sưa bên tách trà thơm về bút pháp tranh thủy mặc, như “bút pháp thủy mặc luôn có sự điều hòa âm dương; có chủ có khách, có đậm có nhạt, có ướt có khô, có nét to có nét nhỏ, có nét nhanh nét chậm, có tĩnh có động”, hay “trong bút có bút. Có khi bút chưa tới ý đã tới…”, ông cao hứng mời chúng tôi đến bàn vẽ, trải tờ giấy xuyến chỉ, mài mực và phóng bút vẽ liền một mạch một bức hoa sen hoàn toàn bằng mực nho truyền thống, và thật diệu kỳ, trong một nhịp điệu phóng bút xuất thần và rất ấn tượng, trên nền lá sen bằng mực nho, những biên màu đen và nền giấy trắng đã làm bừng hiện một đóa sen trắng ngời trước ánh mắt thán phục của chúng tôi.
Thật khó có thể giới thiệu hết những nét đặc sắc của dòng tranh thủy mặc nói chung, bút pháp thủy mặc cũa họa sĩ Trương Hán Minh trong một vài lời giới thiệu ngắn. Chúng tôi chỉ muốn giữ lại ấn tượng về ông như một đóa sen ngời trong dòng tranh thủy mặc.