Nếu chỉ nói về bán tranh thì trong lịch sử hội họa thế giới không có tác giả nào khi còn hoạt động nghề nghiệp lại thành công như họa sĩ người Mỹ Thomas Kinkade. Hàng triệu người Mỹ đã mua các phiên bản tranh của Kinkade. Không họa sĩ nào trên thế giới có được một trị trường tiêu thụ tác phẩm của mình rộng lớn như Kinkade.
Sinh năm 1958 tại Sacramento, bang California, sau khi học xong bậc trung học William Thomas Kinkade theo học Trường Đại học Berkeley hai năm rồi chuyển sang học trường thiết kế mỹ thuật Pasadena. Mùa hè năm 1980, Kinkade và bạn học là James Gurney đã làm một chuyến du hành khắp nước Mỹ mà điểm dừng chân cuối cùng là New York, cùng vẽ ký họa phong cảnh và con người. Sau đó họ ký hợp đồng với nhà xuất bản Guptill để thực hiện cuốn sách Cẩm nang ký họa dành cho họa sĩ (The artist’s guide to sketching) – sách bán chạy nhất năm 1982. Sau thành công bất ngờ của cuốn sách, Kinkade và Gurney cùng hợp tác làm bộ phim hoạt hình Lửa và băng giá. Trong khi làm phim, Kinkade bắt đầu đi sâu vào cách thể hiện ánh sáng trong tranh. Cũng từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp hội họa: tranh phong cảnh của Kinkade được bày bán ở các gallery khắp bang California rồi lan rộng khắp nước Mỹ. Tranh được sản xuất hàng loạt dưới dạng các bản in chất lượng cao và được cung cấp cho thị trường thông qua công ty mang tên ông: The Thomas Kinkade Company. Người ta ước tính cứ một trong 20 ngôi nhà tại Mỹ có treo các phiên bản tranh Kinkade.
Họa sĩ của ánh sáng và Phúc âm
Vì sao tranh của Thomas Kinkade lại được người Mỹ yêu chuộng như vậy? Trong bài viết Bí quyết của họa sĩ của ánh sáng trên trang mạng mỹ thuật online hyperallergic ngày 31-3-2015, Giovanni Garcia-Fenech viết: “Thomas Kinkade là họa sĩ của những căn nhà nhỏ giữa thiên nhiên, của những ngọn đèn biển và của cảnh tà dương có thể còn đẹp đẽ hơn. Ông còn là một tín đồ Công giáo rao giảng Phúc âm, người đã tăng thêm sức mạnh cho những tranh phong cảnh ngọt ngào của mình bằng những thông điệp của Thánh kinh”. Yếu tố đem đến thành công về mặt thị trường của tranh phong cảnh Kinkade chính là màu sắc rực rỡ và ánh sáng huyền ảo được tác giả xử lý bằng chất liệu pastel cực kỳ điêu luyện. Cảnh sắc trong tranh đã được Kinkade lý tưởng hóa từ phong cảnh đa dạng của nước Mỹ mà ông đã ghi chép được trong chuyến đi dài ngày năm 1980. Những gì thường thấy trong tranh Kinkade là cảnh thôn dã với vườn cây, dòng suối, nhà trên non cao hay giữa rừng, hải đăng, giáo đường và những con đường dẫn vào thôn xóm bình yên. Chính cảnh sắc của thị trấn quê nhà Placerville thời ấu thơ (cũng là nơi hầu như nhà nhà đều treo tranh Kinkade) là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của ông. Có lẽ đó cũng là giấc mơ muôn thuở của không chỉ người Mỹ mà của tất cả mọi người sống trên trần gian này về một nơi chốn an lành vĩnh viễn, một Thiên đường ở hạ giới. Và trong bối cảnh cuộc sống ngày càng căng thẳng, mệt mỏi và đầy những bất an, lo âu thì người ta lại càng mơ mộng về một cõi sống như trong các bức tranh của Kinkade.
Trong cuộc triển lãm tranh Thomas Kinkade có tên “Thiên đường trên trái đất” được tổ chức vào tháng 4-2004 tại Trung tâm mỹ thuật của Trường Đại học Fullerton ở California, ông Mike McGee, giám đốc trung tâm đã viết: “Chỉ cần nhìn vào những bức tranh đã rõ sự thành thạo về kỹ thuật (của tác giả). Tuy nhiên, tài năng hơn người của Kinkade là khả năng xác định và đáp ứng nhu cầu cũng nhưước muốn của công chúng mà ông nhắm tới – Kinkade đã viện dẫn thân mẫu của ông như là một người thưởng ngoạn mẫu mực và chủ yếu tranh của ông, và đã kết hợp điều đó với sự hiểu biết rành rẽ về thị trường…”. Còn họa sĩ Jeffrey Vallance nhận định: “Kinkade đã biểu thị đức tin tôn giáo của ông và đưa nó vào tranh. Đó không phải là xu hướng trong thế giới nghệ thuật cao siêu lúc này… Bao giờ cũng rất khó để đưa những ý tưởng tôn giáo nghiêm túc vào một khung cảnh nghệ thuật. Đó là lý do vì sao tôi thích tranh Kinkade. Bởi thật khó để đạt được điều ông đã làm được”.
Tiền tỉ bán tranh phiên bản
Trong bài viết có tựa Nghệ thuật cho mọi người (Art for everybody) trên tờThe New Yorker ra ngày 15-10-2001, Susan Orlean đã mô tả nghệ thuật của Thomas Kinkade được những người Mỹ – số đông thuộc giới có thu nhập thấp – yêu thích ra sao khi quan sát cảnh khách hàng mua tranh tại gallery Thomas Kinkade Signature ở TP. New York. Đó là khi một đôi vợ chồng trẻ sống trong một cộng đồng dân cư bình dân chưa bao giờ biết đến tranh pháo là gì và lần đầu tiên họ bước vào một cửa hàng bán tranh chỉ với 15 USD trong túi. Người vợ trẻ cho biết bà ngoại của cô vừa qua đời, chỉ để lại cho cô chút ít tiền không đáng là bao, thế nhưng cô không muốn khoản thừa kế nhỏ nhoi đó mất đi: “Em gái tôi cũng nhận được tiền từ bà nội và nó cũng đã mua một bức tranh của Kinkade… Trước đây, không thể tin được là tôi chẳng biết tí gì về Thomas Kinkade. Tôi đã đi qua gallery này rồi, thế nhưng tôi thật sự chẳng biết gì về tranh Kinkade cũng như ông ấy… to lớn cỡ nào. Tôi muốn nói ông ấy mới thật sự là điều gì đó thật to lớn! Đó gần như là toàn bộ thế giới này!” – cô nói. Và rồi với sự hướng dẫn của người quản lý gallery, đôi vợ chồng trẻ đã mua bức tranh in có tên Buổi chiều lộng lẫy, một trong những phiên bản tranh Kinkade được ưa thích nhất, được bán nhiều nhất. Với đôi lứa ấy, bức tranh in với giá chỉ 15 USD không chỉ là vật trang trí trong ngôi nhà hay căn hộ đơn sơ của họ mà nó còn là một vật gia bảo, có thể lưu lại cho con cháu đời sau.
Đã có những đánh giá hết sức trái chiều về tác phẩm của ông, thậm chí có người còn cho đó là sự tầm thường song cũng có nhà phê bình coi đó là tác phẩm đích thực, được vẽ bởi một họa sĩ gần như là “thiên tài”. Người ta đã viết báo, viết sách, làm phim về Kinkade và tranh của ông. Trong cuốn sách mới nhất về họa sĩ này, tựa Họa sĩ tỉ đô: thành tựu và tấn thảm kịch của Thomas Kinkade, họa sĩ của ánh sáng (Billion dollar painter: the triumph and tragedy of Thomas Kinkade, painter of light – NXB Weinstein Books), hai tác giả là cây bút chuyên nghiệp Bettina Gilois và Eric Kuskey, nguyên phụ trách về bản quyền của Công ty Thomas Kinkade đã công bố nhiều tư liệu mới chung quanh “hiện tượng Kinkade” trong thế giới mỹ thuật của nước Mỹ.
Cuốn sách đã cho biết cái đế chế mà Thomas Kinkade lập ra đã thành công đến mức nào và cuối cùng đã tàn lụi ra sao sau cái chết của ông vào năm 2012 ở tuổi 54 vì lạm dụng rượu và ngộ độc chất Valium. Ngay sau đó người vợ đã ly thân với Kinkade kiện người tình mới của ông về thừa kế ngôi nhà của gia đình. Công ty Thomas Kinkake vỡ nợ và phá sản dù cách đây hơn mười năm doanh số của nó đã đạt tới 2 tỉ USD (năm 1994 công ty đi vào hoạt động, hai năm sau công ty đã cho in nhiều tranh Kinkade, mỗi bức in tới 100.000 phiên bản).
Ngày nay, một khu tưởng niệm có tên “Làng, một cộng đồng Thomas Kinkade” đã được xây dựng ở Vallejo, California. Ở đó, người ta tái hiện những gì được ông vẽ trong nhiều bức tranh và có bốn ngôi nhà được xây giống hệt những ngôi nhà ông đã vẽ và được đặt tên bốn người con gái của ông: Chandler, Merritt, Everett, Winsor – cũng là tên bốn họa sĩ nổi tiếng mà Kinkade yêu mến.
- Diên Vỹ