Khoảng hai năm trở lại đây, những người đã từng nhiều lần đến với Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đều thấy rõ những đổi thay lớn từng bước diễn ra nơi đây. Có thể nói, thiết chế mỹ thuật quan trọng này đã và đang “lột xác” để có thể trở thành một bảo tàng nghệ thuật với những chuẩn mực quốc tế nhằm thu hút khách tham quan nhiều hơn, rộng rãi hơn. Người đã góp công sức không nhỏ cho những đổi thay này chính là họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc bảo tàng. Một sáng cuối tuần đẹp trời, trong khuôn viên bảo tàng giờ đây đã có thêm màu xanh cây cỏ, họa sĩ Hứa Thanh Bình đã chia sẻ với DNCT về những gì anh và các đồng sự đã làm trong thời gian qua để nơi này có được một bộ mặt mới.
Có thể thấy những thay đổi rõ nhất là tòa nhà cũ trước đây đã được tôn tạo lại cả nội – ngoại thất với màu sơn mới thay cho tấm áo cũ loang lổ, với rất nhiều tác phẩm, hiện vật bảo tàng thu thập được trong trước đây chỉ nằm trong kho, nay được trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Còn các triển lãm thường xuyên trong năm thì chuyển sang khu trưng bày mới, nguyên là văn phòng của một đơn vị thuộc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, được bàn giao cho bảo tàng vào năm 2011 trong tình trạng xuống cấp nặng và đã được sửa chữa, tân trang. Anh có thể nói thêm về những nét mới nào khác?
Về mặt trưng bày tác phẩm và hiện vật, thay đổi lớn nhất là các phòng triển lãm chuyên đề được tổ chức lại cách thức trưng bày với sự phân loại cụ thể hơn, căn cứ theo tác phẩm, tác giả, niên đại, khuynh hướng… Màu sắc nền của bảo tàng cũng như của các phòng trưng bày cũng thay đổi những chuyển sắc gây ấn tượng thị giác hơn. Hệ thống ánh sáng, đèn chiếu tác phẩm cũng được làm mới, gần với chuẩn mực quốc tế. Hệ thống hướng dẫn, bảng biểu được làm lại theo chuẩn chung của quốc tế, sao cho đỡ tốn công sức của người hướng dẫn, khách tham quan có thể tự mình khám phá cái đẹp. Ngay cả những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng cũng rất cần thiết đối với một bảo tàng mỹ thuật: chỗ ngồi cho khách tham quan khi cần nghỉ chân hoặc để có thể thư thái ngắm nhìn tác phẩm. Nhà vệ sinh không chỉ sạch mà còn phải đẹp: chúng tôi cho vẽ trên tường ở khu vực nhà vệ sinh để tạo cảm giác thẩm mỹ. Còn nhiều chuyện phải làm lắm: một cái logo gắn lên áo cho khách sau khi họ đã mua vé và có thể họ sẽ lưu giữ làm kỷ niệm, vân vân và vân vân…
Bảo tàng nay có phòng chiếu phim, thư viện, phòng trưng bày di sản của chú Hỏa, người đã xây dựng cơ ngơi này. Khi bắt tay trùng tu, tôn tạo bảo tàng, chúng tôi tìm được nhiều hiện vật quý từng bị vứt bỏ không thương tiếc!
Có một thông số nào cho thấy rõ nét nhất hiệu quả từ những đổi thay đó không?
Có chứ. Chúng tôi đã tiến hành “theo dõi” khách tham quan trong thời gian qua. Nếu như trước đây trung bình mỗi người khách chỉ mất nửa tiếng để xem hết những gì trưng bày ở bảo tàng thì bây giờ họ phải dành ra hai tiếng. Nhiều hơn lắm. Bởi có nhiều thứ, nhiều sản phẩm khác nhau cho họ xem: từ tranh tượng đương đại qua các triển lãm thường xuyên đến các bộ sưu tập đa dạng mà bảo tàng sở hữu, chẳng hạn nếu khách quan tâm đến gốm sứ thì ở đây chúng tôi có các sưu tập gốm Việt Nam từ thế kỷ XI-XV, gốm Bát Tràng, gốm men lam Huế, gốm cổ Nam bộ (thế kỷ III, IV-XVIII), gốm Biên Hòa, Lái Thiêu… Chưa kể còn có gốm Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Khách cũng có thể tìm hiểu nghệ thuật Óc Eo, Chăm, Tây Nguyên…, tượng thờ gỗ Bắc bộ, Nam bộ, tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, làng Sình, rồi sưu tập tiền cổ, nồi đồng…
Nói tóm lại, ngoài lý do trước đây phần lớn hiện vật của bảo tàng chỉ nằm trong kho lưu trữ, còn có không ít người nghĩ rằng bảo tàng chỉ có tranh, tượng nhưng thực ra đến đây khách tham quan có thể xem được nhiều lắm, phong phú lắm. Vấn đề là làm sao tổ chức trưng bày cho khoa học, với những chỉ dẫn cần thiết, giúp cho khách có được những thông tin bổ ích và những giờ phút khám phá, thư giãn tích cực nhất khi đến với bảo tàng. Chúng tôi chỉ bán vé đồng hạng 10.000 đồng cho khách trong cũng như ngoài nước, trẻ em thì 3.000 đồng, nhưng làm sao để “móc túi” họ chỉ với số tiền khiêm tốn đó cũng chẳng dễ!
Ngoài các triển lãm và trưng bày chuyên đề, bảo tàng còn có hoạt động nào khác để thu hút rộng rãi các đối tượng, thành phần khác nhau?
Chức năng của bảo tàng mỹ thuật không chỉ gói gọn trong lưu giữ, bảo quản và trưng bày tác phẩm mà còn phải vươn lên trở thành một trung tâm giáo dục thẩm mỹ, tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh… Trong hướng đưa hình ảnh bảo tàng đến gần hơn với công chúng, nói cách khác là xã hội hóa hoạt động của bảo tàng, chúng tôi đã mở Phòng trải nghiệm dành cho trẻ em và những ai muốn trải nghiệm sinh hoạt mỹ thuật. Hoạt động của Phòng trải nghiệm cũng chỉ mới manh nha, tuy nhiên đã có một công ty du lịch đưa khách đến tổ chức viết thư pháp, vẽ tranh với sự hướng dẫn của họa sĩ – một buổi sinh hoạt rất sinh động, hào hứng. Rồi một đêm hội trung thu cho trẻ em, nơi các cháu được hướng dẫn làm lồng đèn, rước đèn đêm trăng rằm…
Năm nay, bảo tàng dự tính sẽ mở một phòng tạm gọi là phòng hướng dẫn mỹ thuật dành cho các đối tượng là người về hưu và những bạn trẻ muốn theo con đường mỹ thuật, có ý định thi vào Đại học Mỹ thuật. Đến với phòng này, những người muốn gần gũi với hoạt động tạo hình sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn… Phòng còn có thể hướng dẫn thẩm mỹ thời trang, hướng dẫn các kỹ thuật làm tranh khắc, làm gốm… cho bất kỳ ai có nhu cầu.
Xa hơn nữa, tôi nghĩ bảo tàng còn phải đóng vai trò một trung tâm thẩm định tác phẩm. Lấy ví dụ, có người muốn mua tác phẩm của một nhà danh họa, một tác giả đã khuất nhưng không rõ tranh thật hay tranh chép, nhờ bảo tàng thẩm định, tại sao bảo tàng không thể làm việc ấy. Bảo tàng mỹ thuật của một thành phố lớn, trung tâm của cả nước, theo tôi không thể thiếu các sinh hoạt như vừa nói. Điều này các bảo tàng mỹ thuật ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm từ lâu rồi.
Ngoài ra, bên cạnh các triển lãm thường xuyên, bảo tàng còn tổ chức khá nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật khác nhau như tổ chức giao lưu, sáng tác, triển lãm giữa sinh viên mỹ thuật Philippines và sinh viên mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu tác phẩm của giảng viên và sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng tại khu sân vườn… Chúng tôi cũng đã bàn bạc với Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thường xuyên các triển lãm điêu khắc ngoài trời tại khu sân trong của bảo tàng.
Vốn liếng để anh cùng với tập thể tại đây làm mới bảo tàng đến từ đâu?
Trước khi về đây vào tháng 7-2010, tôi có 22 năm làm công tác chuyên môn tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh; thời gian đó giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm thiết thực. Tôi lại may mắn được đi nhiều nước trên thế giới, nơi nào tôi cũng dành nhiều thời gian tham quan các bảo tàng, không chỉ để thưởng ngoạn tác phẩm mà còn là dịp học được nhiều điều bổ ích, ứng dụng cho ngày hôm nay. Rất may là tôi có được một người lãnh đạo cũng am tường hoạt động của bảo tàng và đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc chuyên môn của tôi – đó là chị Mã Thanh Cao, Giám đốc bảo tàng. Có thể nói, không có chị Cao thì bảo tàng không thể có được ngày hôm nay.
Anh vẫn có tranh triển lãm trong nước và tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài, cũng là một họa sĩ bán được tranh. Anh thường vẽ lúc nào?
Không còn cách nào khác: phải tìm cách cân bằng công việc quản lý và sáng tác. Nói thật tình, tôi không vẽ theo cảm hứng đâu. Sáng tác tranh với tôi đã thành một nhu cầu, một kỷ luật: ngày nào tôi cũng vẽ và vẽ lúc nào cũng được. Ngoài thời gian vẽở nhà, những ngày trực ở bảo tàng, tôi đến sớm một chút, về muộn một chút để vẽ, trưa không nghỉ cũng để vẽ. Anh thấy rồi: trong phòng làm việc của tôi lúc nào cũng có tranh đang vẽ dở dang (khi trả lời bài phỏng vấn này, họa sĩ Hứa Thanh Bình đang thực hiện một bức tranh khổ lớn vẽ ngựa, đề tài mà anh yêu thích – NV).
- Thực hiện Diên Vỹ, Ảnh Ngã Văn